Giải pháp nào đối phó “vành đai lửa”?

Những cơn sóng thần bất ngờ ập vào các bãi biển quanh eo biển Sunda (Indonesia) tối 22-12 vừa qua đã khiến ít nhất 429 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề. Cùng với việc khắc phục hậu quả, chính quyền Indonesia cũng như các nhà khoa học trên thế giới đang đi tìm nguyên nhân gây nên những cơn sóng thần không hề được cảnh báo này, nhằm đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời trong tương lai.

Khung cảnh tan hoang tại đảo Java (Indonesia) sau cơn sóng thần hôm 22-12. Ảnh: AFP
Khung cảnh tan hoang tại đảo Java (Indonesia) sau cơn sóng thần hôm 22-12. Ảnh: AFP

Cảnh báo sớm không hoạt động

Ngày 25-12 Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia xác nhận số nạn nhân thiệt mạng sau trận sóng thần tại các vùng ven biển trên hai đảo Sumatra và Java thuộc eo biển Sunda đã lên đến ít nhất 429 người. Ngoài ra, vẫn còn 154 người mất tích và cơ hội sống sót của họ gần như không còn sau bốn ngày xảy ra thảm họa. Những cơn sóng thần cũng khiến khoảng 1.485 người bị thương, 882 ngôi nhà, 73 khách sạn, biệt thự bị phá hủy và 430 tàu, thuyền bị hư hại.

Theo Reuters, những cơn sóng thần ập vào các bãi biển thuộc eo biển Sunda ngày 22-12 là không hề được lường trước, khiến giới chức và người dân không kịp trở tay. Người đứng đầu Trung tâm Thông tin và dữ liệu của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết, hệ thống cảnh báo sớm động đất, sóng thần quốc gia đã không hoạt động. Indonesia chỉ có một hệ thống duy nhất để cảnh báo sớm động đất và sóng thần do hiện tượng động đất gây ra. Tuy nhiên, trận sóng thần vừa qua không phải xuất phát từ nguyên nhân này. Trước đó, người dân ven biển cho biết đã không cảm nhận dấu hiệu cảnh báo nào, như động đất hay nước rút dọc bờ biển, trước khi cột sóng cao tới 3 m xuất hiện và ập vào bờ.

Sau khi thảm họa sóng thần xảy ra, giới khoa học thế giới cho rằng, nhiều khả năng nguyên nhân đến từ việc núi lửa Anak Krakatau phun trào. Theo đó, khoảng 21 giờ 3 phút tối 22-12 (giờ địa phương), núi lửa Anak Krakatau nằm cách bờ biển 80 km bắt đầu phun trào, nhưng không có trận động đất nào xảy ra, nước biển cũng không rút ra ngoài khơi như những đợt sóng thần mà người Indonesia từng gặp trước đây.

Hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy, sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào, một mảng lớn đất, đá ở sườn phía nam của núi lửa này đã lở và sụt lún xuống biển. Chỉ 24 phút sau đó đã xảy ra sóng thần. Nhà địa chấn học Sam Taylor-Oxford thuộc Viện Khoa học GNS tại Wellington (New Zealand) cho biết: “Vụ sạt lở dưới nước đang là giả thuyết được ưu tiên hàng đầu. Khi đất, đá bị đẩy xuống biển, sụt lún gây xáo trộn bề mặt đại dương, và sự dịch chuyển theo phương thẳng đứng tạo ra cột sóng cao và đây chính là sóng thần”. Tuy nhiên, ông Taylor-Oxford nhấn mạnh vẫn còn thiếu dữ liệu để củng cố giả thuyết0 này.

Còn ông Jose Borrero, chuyên gia về thảm họa sóng thần của Công ty tư vấn hàng hải eCoast, cho rằng vụ sóng thần do núi lửa sụt lún có dấu hiệu đặc trưng, khác biệt so sóng thần do động đất. Điều này được thể hiện qua tốc độ cũng như khối lượng đất trôi xuống lòng biển cũng như độ sâu mà lớp đất đá rơi xuống.

Giải pháp nào đối phó “vành đai lửa”? ảnh 1

Núi lửa Anak Krakatau phun trào được cho là nguyên nhân gây sóng thần tại Indonesia. Ảnh: AP

Đánh giá thấp nguy cơ xảy ra thảm họa

Theo Channel News Asia, những đợt sóng thần tại eo biển Sunda vừa qua là lần thứ ba trong vòng sáu tháng Indonesia phải hứng chịu thảm họa tự nhiên nghiêm trọng, sau loạt động đất trên đảo Lombok hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8, và trận động đất kết hợp với sóng thần vào tháng 9 trên đảo Sulawesi khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Trong cả hai đợt sóng thần gần đây, giới chức Indonesia cho biết, hệ thống cảnh báo đều không hoạt động.

“Quốc gia vạn đảo” hiện chỉ có một hệ thống cảnh báo được kích hoạt khi có động đất được xây dựng từ năm 2008, vài năm sau khi trận động đất mạnh 9,3 độ richter tạo ra sóng thần ập vào thành phố Banda Aceh, đảo Sumatra năm 2004. Dù vậy, do ngân sách eo hẹp, lỗi kỹ thuật, đồng thời bị phá hoại, hệ thống phao cảnh báo sóng thần đã không thể làm tròn nhiệm vụ. Chưa kể, như nhà địa vật lý Mika McKinnon tại Trường đại học Vancouver (Canada), cho biết hiện nay các hệ thống cảnh báo sớm khó có thể phát hiện kiểu sóng thần do núi lửa phun trào.

Theo một số nhà khoa học, ngay cả khi có cảnh báo trước, người dân cũng phải tự mình sơ tán hay phòng tránh, thay vì có sự hỗ trợ của chính quyền vì từ thời gian cảnh báo đến khi thảm họa xảy ra là rất ngắn. GS Dave Roversy thuộc Trường đại học Mở (Anh) nhận định: “Ngay cả khi có phao cảnh báo sóng thần được đặt ở Anak Krakatau , nó cũng quá gần để người dân kịp sơ tán do sóng thần di chuyển với tốc độ rất nhanh”.

Indonesia chỉ là một thí dụ điển hình cho việc đánh giá thấp những nguy cơ thảm họa thiên nhiên. CNN cho biết, Indonesia nằm trong một phần của “vành đai lửa” Thái Bình Dương (khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương). Ước tính, 71% các vụ động đất và sóng thần lớn xảy ra trên “vành đai lửa” Thái Bình Dương. Trong đó, Indonesia được cho là khu vực nguy hiểm nhất trong vành đai này, khi có đến 127 ngọn núi lửa.

Theo các chuyên gia cảnh báo thảm họa, kể từ năm ngoái, nhiều trận động đất khiến hàng nghìn người chết có nguyên nhân từ núi lửa phun trào đã xảy ra trong khu vực “vành đai lửa” Thái Bình Dương. Do đó, các nhà khoa học trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ “vành đai lửa” chuẩn bị thức giấc. Ước tính, thế kỷ 20 đã ghi nhận 65 cơn địa chấn. Trong khi đó, chỉ trong 18 năm đầu tiên của thế kỷ 21, toàn cầu đã chứng kiến đến 27 vụ núi lửa phun trào.

Trước những mối nguy tiềm tàng, đặc biệt sau đợt sóng thần bất ngờ vừa qua tại Indonesia, các nhà khoa học đã kêu gọi giới chức thế giới đặc biệt quan tâm đến công tác cảnh báo và phòng tránh thảm họa thiên nhiên. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn về những thảm họa có thể xảy ra đối với người dân ở khu vực trong “vành đai lửa” Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng đề nghị chính phủ các nước nằm trong khu vực “vành đai lửa” Thái Bình Dương lắp đặt thêm các cảm biến cảnh báo thiên tai từ xa tại các khu vực nguy hiểm, để chính quyền địa phương cũng như người dân có thể biết sớm các mối nguy, từ đó có thời gian sơ tán, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.