Gỡ vướng, khơi dòng tín dụng xanh

Hiện nay, một phần không nhỏ dư địa tăng trưởng tín dụng được đặt vào phát triển tín dụng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp. Tuy nhiên, do hiện chưa có quy chuẩn đồng bộ, thống nhất về danh mục phân loại xanh, việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nông nghiệp xanh luôn là điểm đến quan trọng của dòng tín dụng xanh. Ảnh: Lê Tất Tiên
Nông nghiệp xanh luôn là điểm đến quan trọng của dòng tín dụng xanh. Ảnh: Lê Tất Tiên

Mở ra xu hướng mới

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh năm 2017, hiện đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh.

Tính tới cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của cả nước khoảng 680.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong năm 2024, các ngân hàng cũng đã hướng dòng tín dụng về các vùng nông nghiệp trọng điểm. Đến cuối năm 2024, các tổ chức tín dụng đã cấp khoảng 124.000 tỷ đồng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với sự vào cuộc của hàng chục ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực lâm-thủy sản đã tăng hạn mức từ 15.000 tỷ đồng lên đến 60.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xem xét nâng quy mô gói tín dụng lâm-thủy sản lên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi đối tượng thành lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Sang năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% theo định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng lớn, như BIDV, Agribank và Vietcombank đang đi đầu trong việc tham gia vào các chương trình tín dụng xanh và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2024, Vietcombank cho vay tín dụng xanh đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so cuối năm 2023. Đến nay, dư nợ cho vay của Agribank đối với lĩnh vực xanh ước đạt khoảng hơn 27.800 tỷ đồng.

Ngay cả với một ngân hàng vừa và nhỏ như ACB, tín dụng xanh cũng đang là lĩnh vực được đẩy mạnh và tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận cho các doanh nghiệp xanh. Từ mức giải ngân dưới 100 tỷ đồng cho gói tín dụng xanh năm 2023, tăng lên gần 1.500 tỷ đồng (năm 2024), và đến nay, ACB dự kiến sẽ đẩy gói tín dụng xanh lên quy mô 3.000-5.000 tỷ đồng.

Còn tại TPBank, tính đến cuối năm 2024, ngân hàng này đã giải ngân gần 7.400 tỷ đồng cho các dự án tín dụng xanh, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Theo Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú, tín dụng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, nhất là khi nhiều thị trường quốc tế đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

Vẫn vướng mắc vì thiếu hướng dẫn cụ thể

Vốn là một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành trồng, chế biến và xuất khẩu lâm sản, hai năm trở lại đây, Công ty TNHH Kim Hoàng mở hướng phát triển sang mảng nuôi trồng thủy hải sản theo hướng bền vững.

Gỡ vướng, khơi dòng tín dụng xanh ảnh 1
Do chưa có quy định “các tài sản như lồng bè được dùng làm tài sản thế chấp” nên các ngân hàng khó có thể chấp nhân và thực hiện các khoản cho vay.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty, kinh phí đầu tư các vật dụng nuôi trồng thủy sản có khả năng tái chế cao và bảo tồn môi trường biển quá cao, trong khi việc vay vốn để triển khai còn gặp nhiều khó khăn vì vướng vấn đề tài sản bảo đảm để thế chấp cho khoản vay. Mặt khác, theo ông Hùng, có vẻ như các ngân hàng cũng không mấy mặn mà vì lĩnh vực này rủi ro cao và thiếu nhiều hướng dẫn cụ thể.

Dòng vốn váo lĩnh vực tín dụng xanh còn chưa được thông suốt bởi chúng ta còn thiếu quy chuẩn thống nhất về bộ tiêu chí chung. cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NGUYỄN THỊ HỒNG

Nói về khó khăn trong rót vốn vào dự án xanh, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình đưa ra thí dụ cụ thể: Ngân hàng cho vay phải tuân thủ các quy định về bảo đảm tiền vay, theo Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy liên quan. Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, lồng bè trên biển là cơ sở vật chất được đầu tư để nuôi trồng trên biển, nhưng hiện chưa được công nhận là tài sản nên không thể sử dụng chúng để tiến hành các thủ tục thế chấp tài sản để cho doanh nghiệp vay vốn.

Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi phát triển thị trường tài chính xanh, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhận định: Dù tín dụng xanh đang dần thành xu hướng, song việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến các doanh nghiệp gặp khó khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh, nhất là trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.

Nỗ lực tháo gỡ về vấn đề này, nhiều tổ chức tín dụng như VietinBank, Agribank, ACB, TPBank, đã chủ động xây dựng và công bố các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội riêng để cấp tín dụng xanh cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng.

Theo chia sẻ của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, từ tháng 9/2024, ACB đưa ra khung tài chính bền vững cho lĩnh vực tín dụng xanh. Ngân hàng này cũng đang làm việc với nhiều quỹ đầu tư quốc tế để mở rộng nguồn cung vốn cho lĩnh vực sản xuất xanh. Đồng thời, ACB cũng chủ động thiết kế các sản phẩm tín dụng đặc thù dành cho khách hàng lĩnh vực nông nghiệp để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ vốn và mở rộng phạm vi tiếp cận các dịch vụ tài chính xanh.