Dự kiến đạt 15/15 chỉ tiêu
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cuối tuần trước, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, ở thời điểm này (đầu tháng 12), có thể khẳng định khá chắc chắn là 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2024 có thể đạt được. Đặc biệt, nếu không có biến động lớn, tác động tiêu cực từ bên ngoài thì mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024 sẽ thành hiện thực. Đây là một sự bứt phá đáng kể so năm 2023 (năm mà tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, thấp xa so mục tiêu ban đầu là 6,5%, mặc dù kinh tế đã dần phục hồi vào cuối năm). Lạm phát dự kiến được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng một bậc so năm 2023…
Số liệu cụ thể từ cơ quan thống kê quốc gia cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu đang gia tăng phù hợp xu hướng của những tháng cuối năm; các đơn hàng đã và đang trở lại với doanh nghiệp.
Thu ngân sách đã “về đích” sớm, lũy kế 11 tháng năm 2024 ước đạt 1.808.500 tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán năm và tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng ước đạt 1.560.700 tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán năm và tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư nước ngoài, trong khi các thị trường đầu tư trên thế giới có vẻ ảm đạm thì đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn khá tốt. Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tốt và là thị trường đầu tư hấp dẫn. Chẳng hạn, Moody và S&P nhìn nhận Việt Nam là một trong hai quốc gia của châu Á có cải thiện về chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới); HSBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. JETRO coi Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ hai thế giới và đứng thứ nhất khu vực châu Á, trong khi EuroCham đánh giá Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu…
Cẩn trọng trước những tín hiệu suy giảm
Tuy nhiên, những lo ngại của cử tri là có cơ sở khi nhìn sâu hơn vào những yếu tố căn cơ tạo nên tăng trưởng như: trong 11 tháng năm 2024, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là gần 2.912.100 tỷ đồng, giảm 7,5% so cùng kỳ năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822.300 tỷ đồng, chỉ tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7% so năm 2022). Nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).
Tháng 10/2024, tiêu dùng dân cư “rơi” xuống mức 4,6% sau khi loại trừ yếu tố lạm phát - mức thấp nhất trong nhiều năm... Thực tế, từ tháng 6/2022 đến nay, chỉ số này có xu hướng đi xuống liên tục. Tăng trưởng đi lên, nhưng nhu cầu tiêu dùng lại đi xuống cho thấy niềm tin tiêu dùng chưa trở lại; tăng trưởng cao dường như chưa chuyển thành thu nhập của người dân; nền kinh tế vẫn quá lệ thuộc vào tăng trưởng của khối doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu nhờ hàng hóa xuất khẩu với giá trị gia tăng không cao?
Một chỉ dấu đáng lưu ý nữa là số doanh nghiệp thành lập mới vẫn thấp, tỷ lệ rút khỏi thị trường cao. Số doanh nghiệp đang hoạt động không đầu tư thêm mạnh mẽ… Ngay cả với FDI, tuy vẫn tăng, nhưng không có nhiều dự án lớn. Nói cách khác, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa thật sự bền vững.
Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn: “Năm 2025, trước mắt hẳn là một năm không dễ dàng, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và xa hơn nữa là năm 2030 trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao, có nền công nghiệp hiện đại”.
“Hiến kế” đẩy tăng trưởng, chuyên gia kỳ cựu này cho rằng, vấn đề đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: tháo gỡ “điểm nghẽn thể chế”, “rã băng” và khởi động lại các dự án đang ách tắc, kiên trì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Vừa qua, việc có nhiều cá nhân, tổ chức có sai phạm trong quản lý, vận hành nền kinh tế đã để lại “vết thương” tương đối lớn đối với bộ máy, làm hao mòn niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp. Để lấy lại niềm tin của khu vực tư nhân, TS Nguyễn Đình Cung đặt nhiều kỳ vọng vào bước chuyển về tư duy thể hiện trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, song nhấn mạnh rằng, tư duy mới cần được thể hiện bằng những quy định pháp luật mới, bởi “không thể chạy phần mềm quản lý mới trên “nền” hệ điều hành cũ”, gây nên sự khập khiễng, thiếu đồng bộ trong cách hiểu, cách vận dụng, làm khó cho doanh nghiệp. Ông cũng kiến nghị tạm dừng ban hành thêm luật mới chưa thật sự cấp bách để tập trung hoàn thiện những dự án luật đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, sớm vận hành trơn tru, hiệu quả bộ máy mới…
Dù thẳng thắn nêu nhiều lo lắng, song TS Nguyễn Đình Cung khép lại câu chuyện với dự đoán khá lạc quan: “Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội lớn trong việc thúc đẩy cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Chưa bao giờ các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm cao đến thế trong việc cải cách bộ máy nhà nước để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Có lẽ năm 2025 sẽ vất vả, nhưng vui. Đó cũng là thời gian để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.