Nỗi đau trên sân cỏ
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình khánh thành cách đây 22 năm, với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, từng là niềm tự hào của thể thao nước nhà. “Chảo lửa” ấy đã nâng bước chiến thắng cho rất nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng, sau hơn hai thập kỷ vận hành, lớp cỏ loang lổ nhiều mầu, mặt sân gồ ghề kém chất lượng không còn đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Cách đây không lâu, chính sự xuống cấp một cách trầm trọng này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chấn thương nặng của các cầu thủ trẻ như Phạm Lý Đức, Võ Đình Lâm và Vũ Tiến Long.
“Mặt sân Mỹ Đình quá xấu nên mũi giày của Lý Đức đã bị mắc lại khi tắc bóng (trượt sát vào chân đối phương để lấy bóng), làm bẻ gập khớp gối. Nếu mặt sân nhẵn với cỏ tốt, các cầu thủ hoàn toàn có thể tránh được chấn thương đáng tiếc như vậy”, bác sĩ Đồng Xuân Lâm của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai phân tích. Dù đã cố gắng “vá” lại mặt cỏ trước các trận chuyên nghiệp, việc tổ chức dày đặc các sự kiện văn hóa, giải trí cũng khiến mặt sân Mỹ Đình không thể “hồi phục” kịp thời. Trước tình hình ấy, đội tuyển quốc gia đã lựa chọn Bình Dương làm địa điểm thi đấu vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027. Và trong giai đoạn tập huấn của lứa U17 và U22, Ban huấn luyện cũng quyết định không dùng sân Mỹ Đình để phục vụ công tác thi đấu nội bộ.
Năm 2021, chuyên gia bóng đá người Australia Lee Gaskin từng nhận xét mặt sân Mỹ Đình giống như “bãi cỏ cho bò gặm”. Dù đã được lên kế hoạch sửa chữa với kinh phí 8 tỷ đồng vào tháng 6 tới, Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển đã nhấn mạnh rằng, tình trạng tồi tệ của sân đấu này hoàn toàn có thể gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia.
Điểm hẹn của đam mê cộng đồng
Trên nền bức tranh ảm đạm, vẫn có những điểm sáng minh chứng cho tiềm năng được rộng mở khi mà cơ sở hạ tầng thể thao được đầu tư đúng mức và khai thác hiệu quả. Giải vô địch bóng bàn quốc gia mỗi năm được tổ chức ở một nhà thi đấu hay cung thể thao trên cả nước là thí dụ điển hình. Đây không chỉ là sân chơi quy tụ các tay vợt hàng đầu, nơi tuyển chọn lực lượng cho đội tuyển quốc gia hướng tới SEA Games 33 và Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2026, mà còn là sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế về không gian, ánh sáng và trang thiết bị.
Cục trưởng Thể dục-Thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt nhận định: Khi chất lượng giải đấu được nâng tầm, các trận so tài kịch tính, cùng các hoạt động tương tác và chương trình từ thiện đã thu hút đông đảo người hâm mộ. Điều này không chỉ thúc đẩy thể thao thành tích cao mà còn lan tỏa giá trị xã hội, góp phần vào thành công của bóng bàn Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Tương tự, sự kiện “2025 Pickleball Legends Tour” tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) quy tụ các huyền thoại thế giới như Andre Agassi và Steffi Graf, thu hút hàng trăm khán giả đến giao lưu và chiêm ngưỡng các trận đấu đỉnh cao. Rõ ràng, việc đầu tư, khai thác hiệu quả các nhà thi đấu hiện đại sẽ góp phần đăng cai thành công các sự kiện quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước vươn mình đổi mới tới bạn bè quốc tế, đồng thời cũng giúp người dân Việt Nam được thụ hưởng bầu không khí luyện tập và thi đấu thể thao đỉnh cao.
Bệ phóng cho kinh tế thể thao
Theo các chuyên gia, thực trạng xuống cấp của sân Mỹ Đình và những thành công thấy rõ từ các sự kiện như Giải bóng bàn quốc gia hay Pickleball Legends Tour cho thấy, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao là vô cùng cần thiết. Song, cần phải hoạch định chiến lược khai thác bài bản, cũng như có kế hoạch bảo trì thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng. Những lợi ích thu được sẽ không dừng lại ở lĩnh vực thể thao mà còn tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia.
Theo thống kê Cục Thể dục-Thể thao Việt Nam, số người tham gia hoạt động thể thao phong trào tăng 15% mỗi năm khi có cơ sở hạ tầng bảo đảm, với hơn 10 triệu người tham gia thường xuyên vào năm 2024. Các trung tâm huấn luyện quốc gia hiện đại giúp vận động viên tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, sẽ giảm 20% nguy cơ chấn thương và nâng cao thành tích thi đấu của các bộ môn.
Việc đưa vào hoạt động trường bắn hiện đại tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội năm 2022 giúp bắn súng Việt Nam liên tiếp giành được thành tích cao tại ASIAD và Olympic Paris 2024. Bên cạnh đó, Trường bắn thể thao Quốc phòng trong Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km) là địa điểm thu hút được nhiều du khách quốc tế cũng như các bạn trẻ trong nước mong muốn trải nghiệm, thử tài bắn súng.
Thể thao đang dần trở thành ngành kinh tế đầy tiềm năng. Việc tổ chức các giải đấu trong nước và quốc tế, dựa trên nền tảng của cơ sở hạ tầng hiện đại, là đòn bẩy thu hút du lịch, kích thích tiêu dùng trong các ngành dịch vụ, qua đó tạo thêm việc làm và mang lại doanh thu đáng kể. Không chỉ vậy, các sự kiện thể thao lớn cũng giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa, tiềm năng của địa phương đăng cai đến du khách và nhà đầu tư.
Với mục tiêu trở thành cầu nối văn hóa, giúp tăng cường hiểu biết và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các nước, việc đăng cai thành công các sự kiện thể thao quốc tế cũng là cơ hội vàng để chúng ta giới thiệu tới bạn bè năm châu: Một Việt Nam năng động, thân thiện và phát triển.