Mùa hè, cẩn trọng với tai nạn sinh hoạt do bị cuốn vào máy ép nước mía

NDO - Tai nạn do bị cuốn vào máy ép nước mía chỉ xảy ra trong tích tắc và để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tâm lý với người bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: BVCC)

Thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tục tiếp nhận các ca tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng liên quan đến máy ép nước mía, máy ép hoa quả - thiết bị quen thuộc trong nhiều gia đình và hàng quán nhỏ lẻ. Khi tiếp nhận các trường hợp tai nạn sinh hoạt, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khẩn trương tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát và xử lý tổn thương, phẫu thuật kịp thời.

Một bé trai 6 tuổi (Bắc Giang) được đưa đến cấp cứu ngày 24/4 trong tình trạng lóc da dương vật, da bìu, lộ tinh hoàn, nguy cơ cao nhiễm trùng và hoại tử. Tai nạn xảy ra khi cháu đứng gần máy ép nước mía đang hoạt động, cuốn quần của bé vào trục máy. Lực kéo mạnh và đột ngột tác động trực tiếp đến bộ phận sinh dục của cháu. Đây là tình huống hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phẫu thuật cấp cứu chuyên sâu để bảo tồn chức năng.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Văn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các chuyên gia đã phẫu thuật, khâu lại da 2 bên bộ phận sinh dục cho da bìu bảo tồn và hồi phục. Sau 3 tháng, bệnh nhi sẽ phẫu thuật để chuyển vạt, tạo hình da dương vật.

Ngày 3/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân nữ, 70 tuổi (Phú Thọ), làm nghề bán nước mía, có tiền sử tăng huyết áp không điều trị. Trong lúc đang vận hành máy, bà bất ngờ chóng mặt, hoa mắt và không kịp phản ứng khi tay bị cuốn vào động cơ, gây tổn thương nặng bàn tay. Tai nạn xảy ra trong tích tắc, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tâm lý với người bệnh.

Các bác sĩ tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát và xử lý tổn thương da bị lóc, phẫu thuật cắt cụt ngón V.

Mùa hè, cẩn trọng với tai nạn sinh hoạt do bị cuốn vào máy ép nước mía ảnh 1

Bệnh nhân nữ bị cuốn bàn tay vào động cơ của máy ép nước mía.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung cho biết, sau khi được điều trị tích cực, chăm sóc hậu phẫu, người bệnh được chuyển sang Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ để chuyển vạt tạo hình khuyết mu da tay.

Mùa hè đến gần, nhu cầu sử dụng nước giải khát tăng cao dẫn đến nhiều tai nạn sinh hoạt từ các loại máy ép nước trái cây, nước mía. Các chuyên gia cảnh báo: Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ đến gần máy ép có động cơ khi đang hoạt động.

Người cao tuổi, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch tuyệt đối không làm việc khi cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt – đây là dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn đến tai nạn sinh hoạt đáng tiếc. Khi vận hành máy móc, mọi người cần trang bị các thiết bị an toàn (găng tay bảo hộ, nút ngắt khẩn cấp…)

Các bác sĩ khuyến cáo, khi xảy ra tai nạn cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật cấp cứu để xử trí kịp thời cho người bệnh.