Người anh hùng tuổi cao, gương sáng

Năm nay đã 95 tuổi, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai vẫn minh mẫn, nói năng khúc chiết, giọng sang sảng. Người cán bộ lão thành cách mạng là tấm gương trung thành với Ðảng, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai

Một thời hoa lửa

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Phương Định, Trực Ninh (Nam Định), theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, ngay trước Cách mạng Tháng Tám, bốn anh em trai trong gia đình ông Lai đều tham gia lực lượng vũ trang. Từ năm 16 tuổi, chàng thanh niên Phan Văn Lai tham gia cách mạng ở địa phương, 18 tuổi là cán bộ huyện đoàn, rồi thoát ly phục vụ cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Lai hoạt động trong vùng địch hậu tỉnh Hà Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bộ Công an sớm có quyết sách chi viện toàn diện cho an ninh miền nam và khâu then chốt nhất là chi viện cán bộ, để triển khai thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ đặc biệt của công an, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, đủ sức đủ tài cùng lực lượng tại chỗ đánh thắng các thế lực tình báo, gián điệp, biệt kích, cảnh sát phản động của Mỹ, ngụy. Với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến lớn”, đầu năm 1964, ông Lai hăng hái lên đường vào nam chiến đấu, tạm biệt mẹ già, người vợ tảo tần và ba con thơ, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh. Trong lá thư từ chiến trường khói lửa gửi mẹ ở quê nhà, ông viết “Con của mẹ cũng là con của Đảng, của cách mạng và của nhân dân. Mẹ hãy vui mừng và tự hào vì đã có mấy người con trai biết lo, biết nghĩ đến hạnh phúc của dân tộc.”

Những năm tháng nếm mật nằm gai tại chiến trường Trị Thiên-Huế vô cùng cam go ác liệt, với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, ông Lai lăn lộn bám sát phong trào cách mạng ở cơ sở, mưu trí dũng cảm lập công.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban An ninh khu được Khu ủy Trị Thiên-Huế giao nhiệm vụ tham gia mũi tiến công phía tây nam Huế. Tại lao Thừa Phủ, địch cài dày đặc mìn nhằm ngăn chặn mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào và những người bị giam giữ muốn vượt ngục. Mũi tiến công bắc loa vào nhà lao báo tin chiến thắng của quân giải phóng, kêu gọi bọn giám thị, lính gác buông súng đầu hàng, đồng thời động viên anh em nổi dậy phá ngục. Trong giây phút hoang mang tột độ, một ngụy quân trốn ra đầu hàng khai báo có một đường hầm bí mật từ trong nhà lao ra ngoài. Quân ta bí mật đột nhập khiến địch bất ngờ không kịp trở tay, giải thoát cho 2.300 cán bộ, đảng viên, du kích trong nhà lao Thừa Phủ.

Lần cùng đồng đội bắt Phó Tỉnh trưởng ngụy quyền Huế, ông Lai phát hiện chiếc thang dựng sát tường rào, nghi ngờ đối tượng đang lẩn trốn nên kêu gọi đầu hàng. Từ trên trần nhà, hắn manh động ném lựu đạn chống trả và đã bị tiêu diệt. Có thời điểm chiến đấu gian khổ, đồng đội ốm đau triền miên, thiếu ăn, ông Lai can đảm vượt mưa bom bão đạn xuống xã Phong Sơn, nơi giặc đang chốt để kiếm gạo, thực phẩm về cứ. Ông còn bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc cho 30 cán bộ an ninh xã và 10 đầu mối làm “an ninh mật” cắm sâu vào các ấp chiến lược…

Hoạt động trong lòng địch, ông Lai được cơ sở quần chúng cách mạng đùm bọc, che chở. Một lần ông Lai và ông Nguyễn Đình Bảy, Phó Ban An ninh khu vừa xuống hầm bí mật trong vườn nhà ông Hoàng Sa ở xã Phú Cường (nay là xã Vĩnh Thái), huyện Phú Vang thì bọn địch càn đến. Hai ông ẩn náu dưới hầm được gia đình ông Sa che giấu, tiếp tế cơm nước... Mặc dù địch tra khảo, đánh đập dã man, đe dọa đốt nhà, bắn bỏ, ông Sa vẫn kiên quyết không chịu chỉ hầm bí mật. Ơn nghĩa sâu nặng suốt đời không thể nào quên, ông Lai nhiều lần trở lại chiến trường xưa, thăm hỏi tặng quà tri ân các cơ sở cách mạng không quản nguy hiểm từng bao bọc, cưu mang.

Chiến tranh kết thúc nhưng công việc còn bộn bề. Một số đối tượng ngóc đầu dậy tìm cách chống phá, bọn cướp lộng hành, sau 11 năm trường kỳ kháng chiến, ông Lai ở lại Huế tham mưu, hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự, ổn định tình hình, năm 1976 mới trở về Thủ đô. Thành tích đặc biệt xuất sắc của Thiếu tướng Phan Văn Lai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Nhà nước ghi công và tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Người anh hùng tuổi cao, gương sáng ảnh 1

Bí thư Chi bộ 8 Nguyễn Duy Long trao đổi với ông Phan Văn Lai về công tác đảng.

Trọn đời cống hiến

Về Bộ Công an công tác, ông Lai lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Vụ phó Nghiên cứu Tổng hợp, Vụ phó Tổ chức cán bộ, Phó Tổng cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Xây dựng lực lượng, Chánh Thanh tra Bộ Công an. Ông chia sẻ kinh nghiệm chú trọng phát hiện các cán bộ có tiềm năng để bồi dưỡng đào tạo, bố trí đúng người, đúng việc nhằm phát huy tối đa năng lực. Công tác tham mưu đòi hỏi vững chuyên môn, có tư duy chiến lược, gắn lý luận với thực tiễn, bám sát tư tưởng chỉ đạo để dự thảo các bài phát biểu cho lãnh đạo Bộ. Các trường hợp điều động cán bộ nếu nơi đi, nơi nhận đều đã hoàn tất thủ tục, trình lên Vụ Tổ chức cán bộ để làm quyết định, ông giải quyết ký ngay trong ngày, để phòng ngừa tiêu cực.

Năm 1990, ông Lai chuyển sang làm Chánh Thanh tra Bộ Công an. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, mặt trái của kinh tế thị trường tác động nên có cán bộ, chiến sĩ đã sa ngã trước cám dỗ. Lĩnh vực công tác chịu sức ép từ nhiều phía, thậm chí nếm trải không ít day dứt giữa lý trí và tình cảm khi phải đương đầu, đụng chạm với biết bao công việc khó khăn, phức tạp và tế nhị giữa mối quan hệ trong nội bộ, đôi khi phải chấp nhận cả mất mát, hy sinh để giữ vững kỷ cương phép nước, nhưng là môi trường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, khả năng ứng xử, kỷ cương và phong cách làm việc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông Lai luôn giữ được liêm chính, nêu cao khí tiết người cán bộ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Ông thường chia sẻ với cấp dưới là làm thanh tra trước hết phải có tình yêu thương cán bộ, xử lý nghiêm minh người có sai phạm, dũng cảm bảo vệ người tốt. Thanh tra không phải chỉ đi bới lông tìm vết, mà mục đích cao nhất là lấy phòng ngừa là chính để không xảy ra sai phạm hoặc kịp thời ngăn chặn từ lúc mới manh nha để không phải xử lý. Khắc sâu trong tâm thức chân lý “thanh tra gian lao mà nhân nghĩa”, ông chỉ đạo thanh tra nghiêm túc, cẩn trọng; sáng suốt lựa chọn phương án giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng sai minh bạch, được trên dưới đồng thuận, góp phần nhanh chóng ổn định tổ chức, củng cố đoàn kết nội bộ, giúp cán bộ có khuyết điểm sửa chữa, tiến bộ.

Nghỉ hưu đã ngót 30 năm, ông Lai vẫn tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học, hoạt động về nguồn, giao lưu truyền thống… đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Phát huy kinh nghiệm điều hành khi đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy các đơn vị từng công tác, ông Lai tham gia Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư 2 nhiệm kỳ, luôn gương mẫu miệng nói, tay làm; tuổi cao dù được miễn sinh hoạt đảng vẫn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng cho chi bộ. Phát biểu tại Đại hội Chi bộ 8, phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) nhiệm kỳ 2025-2027, ông Lai bày tỏ mong muốn tiếp tục được tham gia sinh hoạt để có điều kiện góp sức cho chi bộ ngày càng vững mạnh.

Người anh hùng tuổi cao, gương sáng ảnh 2

Ông Phan Văn Lai phát biểu tại Đại hội Chi bộ 8, phường Ô Chợ Dừa.

Ông Phan Văn Lai phấn chấn chia sẻ, Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Trăn trở trước thực trạng một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng tiêu cực, ông Lai kỳ vọng qua thực hiện Nghị quyết 18 (khóa XII) của Trung ương Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lựa chọn được đội ngũ cán bộ hội tụ đủ tài đức, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết cống hiến, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Luôn đau đáu hướng về quê hương nguồn cội sâu nặng nghĩa tình, ông Lai làm nhiều việc thiện, nhiệt huyết với phong trào khuyến học-khuyến tài, trợ giúp các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tới thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, vận động quyên góp mỗi năm hàng tỷ đồng tôn tạo công trình lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, trường học… giúp huyện nhà bứt phá, vươn lên.

Cả đời ông sống đức độ, liêm khiết, nghĩa tình được mọi người quý trọng; gia đình nền nếp, êm ấm, các con nối nghiệp, noi gương cha hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân là niềm hạnh phúc tuổi già. Ngày 19/5/2023, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Lai vinh dự được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.