Người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: VŨ LINH)
Người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: VŨ LINH)

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San

NDO - Trên độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, nơi mây phủ quanh đỉnh núi Phàn Liên San, đồng bào người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bao đời nay đã gắn bó mật thiết với cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Trong màn sương mù dày đặc vào sáng sớm, bóng dáng người Dao đỏ băng rừng, vượt dốc để tới những gốc chè cổ mọc rải rác ở vùng cao nhất của dãy núi, rồi cần mẫn giữa lưng chừng núi, tay thoăn thoắt hái chè hiện lên như biểu tượng của sự bền bỉ và gắn kết với núi rừng.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 1
Cuộc sống của bà con người Dao ở xã Mồ Sì San gắn bó với cây chè Shan tuyết. (Ảnh: VŨ LINH)

Mồ Sì San là xã vùng cao biên giới, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, song chính đặc điểm ấy lại tạo nên một hệ sinh thái hiếm có - nơi những cây chè Shan tuyết cổ thụ sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên.

Với khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao, sương mù dày đặc vào sáng sớm và chiều muộn, những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tích tụ tinh túy của núi rừng, cho ra những búp chè đượm hương thơm thảo mộc, vị ngọt hậu thanh khiết.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 2
Cây chè Shan tuyết là cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở Mồ Sì San. (Ảnh: VŨ LINH)

Với người Dao đỏ nơi đây, cây chè không chỉ là cây trồng truyền thống mà còn là một phần thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Người Dao quan niệm mỗi cây chè đều có linh hồn.

Việc chăm sóc, thu hái và bảo vệ cây chè không đơn thuần là lao động sản xuất mà còn là trách nhiệm gìn giữ di sản của tổ tiên. Chính vì vậy, giữa dòng chảy hiện đại, những gốc chè Shan tuyết ở xã Mồ Sì San vẫn được bảo tồn như báu vật của núi rừng.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 3
Cây chè là cây xóa đói, giảm nghèo với bà con xã Mồ Sì San. (Ảnh: VŨ LINH)

Hiện nay, Mồ Sì San là địa phương có diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ lớn nhất so với các xã khác trong huyện Phong Thổ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, thân lớn phủ rêu xanh, vươn mình đan xen giữa các tầng rừng nguyên sinh.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt và quy trình thu hái thủ công, theo phương pháp “một tôm hai lá” và chỉ hái vào buổi sớm khi sương còn đọng trên lá, chè Shan tuyết Mồ Sì San giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên, không lẫn với bất kỳ vùng chè nào.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 4
Nhiều gốc chè thân lớn phủ rêu xanh. (Ảnh: VŨ LINH)

Tận dụng lợi thế, chính quyền xã Mồ Sì San đã phối hợp các đơn vị chuyên môn hỗ trợ bà con thành lập các hợp tác xã chế biến chè như Shan Tuyết Mồ Sì San, Biên Cương… quy tụ những người có kinh nghiệm chế biến trà truyền thống. Nhờ vậy, thay vì chỉ sử dụng trong phạm vi gia đình, sản phẩm chè Shan tuyết đã trở thành hàng hóa có thương hiệu, từng bước tham gia thị trường rộng lớn hơn.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 5
Chè Shan tuyết Mồ Sì San được phát triển theo hướng hàng hóa. (Ảnh: VŨ LINH)

Một số dòng trà nổi bật gồm Hồng trà Shan, Trà xanh Shan, Hoàng trà Shan… đều được chế biến bán thủ công, giữ lại hương thơm tự nhiên và vị chè nguyên bản.

Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San Tẩn Chin Lùng cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Mồ Sì San xác định cây chè Shan tuyết là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bảo tồn cây chè cũng là bảo tồn giá trị văn hóa và tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân địa phương.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 6
Cây chè Shan tuyết là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. (Ảnh: VŨ LINH)

Trong bối cảnh nhiều vùng chè cổ thụ đang bị thay thế bởi các giống cây kinh tế ngắn ngày thì ở Mồ Sì San, từng búp trà Shan tuyết vẫn được đồng bào người Dao đỏ nâng niu như báu vật, từng gốc chè cổ thụ được gìn giữ và bảo tồn nghiêm ngặt.

Người Dao đỏ gìn giữ cây chè cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San ảnh 7
Cây chè Shan tuyết được UBND huyện Phong Thổ đánh số để bảo tồn. (Ảnh: VŨ LINH)

Cây chè Shan tuyết còn như sợi dây liên kết giữa con người với núi rừng. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm nông nghiệp, chè Shan tuyết Mồ Sì San đang mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng.

Việc kết hợp giữa cây chè và du lịch không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo điều kiện để quảng bá bản sắc văn hóa của người Dao đỏ. Những tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, tập quán canh tác… được “kể lại” qua trải nghiệm thực tế, góp phần bảo tồn văn hóa sống động, chân thực.

back to top