Cuối tháng 11, hơn 20 anh em Trường đại học Tổng hợp, Bách khoa Hà Nội biên chế về Tiểu đoàn (D) 14 pháo mặt đất trực thuộc Sư đoàn (F) 325. Tại đây, chúng tôi được biên chế vào trung đội thông tin gồm tiểu đội vô tuyến, hữu tuyến và trung đội trinh sát gồm bộ phận trinh sát, kế toán pháo binh cùng phối hợp với bộ phận nghiệp vụ của 4 đại đội pháo cối 120 ly, 82 ly, DKZ 75 ly miệt mài tập luyện theo các phương án tác chiến của tiểu đoàn.
Buổi tối sinh hoạt tập thể của cán bộ chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ, sau phần đánh giá kết quả huấn luyện, nghe phổ biến tình hình thời sự trong ngày và lịch công tác ngày hôm sau là đến phần chi đoàn tự quản tập hát. Anh em đã thuộc làu làu các bài hát truyền thống như “Quốc ca”, “Vì nhân dân quên mình”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Giải phóng miền nam”… nên cùng nhau tập và hát các ca khúc Nga với bài đầu tiên là “Ka-chiu-sa”. Người dạy hát là anh Đào Anh San (sau là TS Ngữ văn, giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền Trung ương) tuy cùng vào học đại học với chúng tôi nhưng anh đã 30 tuổi bởi như anh kể, anh phải đi làm ruộng giúp mẹ, dành phần học tập cho 5 người em để bố yên tâm thoát ly đi công tác. Anh tự ôn thi đại học, tự học tiếng Nga nên biết khá nhiều bài hát Nga. Anh được tiểu đoàn trưởng tin tưởng bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng trinh sát, ngang ngửa với mấy anh tiểu đội trưởng thông tin là cán bộ khung đã có vài tuổi quân.
Các bài hát Nga là những bài hát phần nhiều được ra đời trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, trực tiếp cổ vũ động viên tinh thần của Hồng quân hăng hái ra mặt trận tiêu diệt phát-xít Đức bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Nhiều bài hát, bài thơ ca ngợi tình yêu chung thủy của những cô gái Nga dành cho những người lính không tiếc máu xương trên chiến trường và hẹn ngày trở về chung sống yên vui trong gia đình đầm ấm, trong đó có bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ cách mạng Xi-mô-nốp đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt…”.
Dọc đường hành quân vào chiến trường miền nam hoặc ở những nơi đóng quân tạm nghỉ lại vang lên giai điệu bài hát “Ka-chiu-sa”, “Đỉnh núi Lê-nin”, “Chiều hải cảng”, “Giờ này anh về đâu”… với tinh thần hồ hởi, náo nức chờ đợi trận đánh đầu tiên trong đời quân ngũ. Trước khi vượt sông Bến Hải vào chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị tháng 6/1972, anh San là một trong hai lính sinh viên đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến dịch 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, đơn vị chúng tôi đã đánh gần hai trăm trận yểm trợ các đơn vị bộ binh giữ vững trận địa chốt đầy máu lửa như nhà thờ Tri Bưu, ngã ba Long Hưng, Trường Bồ Đề…, phá tan âm mưu của lính ngụy cắm cờ giả ở thành cổ nhằm đánh lừa truyền thông quốc tế. Giữa hai trận đánh, trên đài quan sát - mắt pháo - lại vang lên giai điệu những bài hát Nga quen thuộc làm sống dậy cả một vùng cỏ cây bị bom đạn xới nhào.
Một lần, tôi đang giữ máy thông tin 2 oát chờ lệnh của tiểu đoàn trưởng thì “giọng ca vàng” của trinh sát Phùng Huy Thịnh cất lên: “Ngày nào năm xưa/Chàng đi ra nơi miền biên thùy/Vì quê hương/Dù mấy khó nguy không lùi…”, chúng tôi đang say sưa hòa nhịp thì nhận được tín hiệu: “A-lô. Em bên bộ binh đây. Các anh hát hay thế. Anh hát nữa đi để em mở to cho mấy anh em trên chốt cùng nghe nhé”. Rất bất ngờ, tôi ghé ống đàm thoại cho Thịnh. Hết bài hát “Ka-chiu-sa” đến thơ “Đợi anh về”…
Bỗng nghe lệnh của tiểu đoàn trưởng: “Tọa độ X.Y. Đạn 3 viên. Giãn cách 5 giây. Bắn!”. Loáng cái, trinh sát Phùng Huy Thịnh đã tót lên cây mít cạnh hầm giơ ống nhòm quan sát rồi vọng xuống: “Đạn bao bọc mục tiêu. Đề nghị cấp tập!”. Tôi nhanh chóng chuyển thông tin của Phùng Huy Thịnh về trận địa. Tiếng tiểu đoàn trưởng: “Đạn bao bọc mục tiêu. Cấp tập 2 loạt 10 viên. Giãn cách 5 giây. Bắn!”. Tiếng nổ đề-pa ầm ì từ phía trận địa rồi những quả đạn pháo xé gió vun vút qua tổ đài - mắt pháo - lao xuống những chiếc xe tăng cùng lũ lính thủy quân lục chiến ngụy rồi vang lên tiếng người chiến sĩ thông tin bộ binh: “Các anh bắn cháy xe tăng và trúng đội hình lính ngụy làm chúng phải rút chạy rồi. Các anh đã hỗ trợ bọn em đẩy lùi được một đợt phản công nữa của địch. Tranh thủ lúc nghỉ lại hát nữa đi các anh ơi!”...
Suốt chiến dịch, những loạt bom B52, bom tọa độ từ máy bay A37, T28 của địch ném xuống, pháo nổ, pháo khoan các loại từ hạm đội 7 của Mỹ, từ các trận địa của địch ở Thừa Thiên Huế bắn đến, trong đó có cả pháo tự hành 175 ly - “Vua chiến trường” - nổ inh tai nhức óc nhưng vẫn không làm nhụt ý chí bám trận địa giữ vững chốt chặn giặc bởi tinh thần lạc quan không sợ hy sinh gian khổ của “Bộ đội Cụ Hồ” qua những lời ca tiếng hát. Những ca khúc hát lên, những bài thơ ngâm nga giữa hai trận đánh đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ta. Lời ca tiếng hát trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972 đã đồng hành cùng chúng tôi tiếp tục tham gia nhiều trận đánh trong chiến dịch Mùa Xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26/4/1975 toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước trưa ngày 30/4/1975.
Dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền nam 30/4, ngày kết thúc Chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị tháng 9 hằng năm và ngày tiểu đoàn bắn pháo tiêu diệt tiểu đoàn “Trâu điên” thủy quân lục chiến ngụy định vượt sông Thạch Hãn đánh vào chốt của quân giải phóng vào đầu tháng 12/1972, nhóm anh em đồng đội cùng đơn vị lại tề tựu tại tư gia anh Đào Anh San (anh Đào Anh San vừa mất vì bệnh hiểm nghèo) ôn lại những kỷ niệm một thời chiến trận và lại cùng ngân nga cất lên những lời ca từ bài hát Nga thân thuộc: “Giờ này anh về đâu/Hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn/Đã cất bước cùng ta trên dặm đường xa”...