Những đứa trẻ vùng mỏ

Những năm 2000 trở về trước, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có tên gọi là thị xã Hồng Gai (còn gọi là Hòn Gai) vẫn sừng sững những dãy núi than đen ngay giữa trung tâm thị xã.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Nữ nhà báo Pháp Jacques Langevin
Ảnh: Nữ nhà báo Pháp Jacques Langevin

Đơn giản, bởi đây là nơi tập kết của than được khai thác từ các mỏ Núi Béo, Cọc Sáu, Hà Tu, Cẩm Phả… chở về. Chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thị xã này chẳng xa lạ gì, nhất là mấy đứa sống ở khu Giếng Đồn, Ba Đèo hay khu nhà tập thể ba tầng, năm tầng… vốn dành cho công nhân ngành than. Bên sát sườn những khu đó toàn than là than.

Ngày còn nhỏ, trẻ con sống ở gần những khu trên chẳng bao giờ đến lớp với đôi bàn tay sạch sẽ. Lúc nào cũng lấm lem mầu đen ở kẽ móng tay, móng chân, rửa cũng chẳng sạch. Tất nhiên, cổ áo, cổ tay làm sao mà trắng tinh tươm cho được, cứ nhờ nhợ một mầu xam xám gì đó khó tả. Không phải vì lũ trẻ nghịch bẩn mà bởi vì khói, bụi than bám vào nên rất khó để sạch sẽ đến trường.

“Nhà ở cạnh bãi than, thì chỉ có đen như than”.

Những câu nói nửa đùa, nửa thật nhưng thực tế thì đúng là như vậy. Con nhà công nhân than phần lớn đều nghèo nên ngoài giờ học trên trường đều phải phụ cha mẹ làm nhiều việc như bốc than, nhào than, xúc than, đóng than mang bán nên đứa nào cũng… đen thui. Chẳng đứa nào thích nhưng nếu không làm thì lấy gì đắp đổi cuộc sống qua ngày. Lương công nhân than ngày ấy bèo bọt, lại phải đối mặt nhiều hiểm nguy như sập lò, chuyện tai nạn lao động xảy ra như cơm bữa nên nếu không làm thì lấy gì ăn?

Tôi có nhiều người bạn sinh ra và lớn lên ở các khu nhà ba tầng, năm tầng đó, mỗi khi học xong, trong khi chúng tôi mải mê nghịch ngợm những trò con trẻ thì lũ bạn ở đó lại rủ nhau đi nhặt than giúp gia đình. Đó là than kíp-lê, than đá…, than cám thì khó nhưng đôi khi mỗi đứa vẫn xách được một túi mang về. Mỗi ngày như vậy được coi là có thành tựu lao động đáng kể. Cái bao dứa nhỏ tuy chẳng đựng được bao nhiêu, nhưng mỗi buổi một ít thì lại trở thành cách trang trải học phí hằng tháng cho những đứa con của nhiều gia đình nghèo.

Qua gần 30 năm phát triển, thị xã Hồng Gai ngày trước giờ đây đã thay đổi đến chóng mặt, chẳng còn những bãi than đen sì bụi bặm. Những khu nhà tập thể cũ kỹ đã được thay thế bằng một đô thị sầm uất với các dãy nhà cao tầng khang trang. Thành phố nay đã khoác lên mình một diện mạo khác xưa rất nhiều. Dẫu vậy, lũ bạn tôi, đến bây giờ dù đã trở thành những người thành đạt trên nhiều phương diện của xã hội, nhưng khi nhắc lại những năm tháng tuổi thơ, chúng vẫn nói: tao vẫn sẽ sống như thế. Bởi đó là ký ức của tao ở mảnh đất này.