Đề án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn một, chuyển đổi và xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh, sạch (điện, khí CNG…). Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bổ sung, đánh giá tác động sau khi Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) hợp nhất với hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương để triển khai đồng bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mới.
Giai đoạn hai, Sở sẽ đề xuất các phương án lựa chọn một số khu vực để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Đề án cũng xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông (từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh, sạch). Lộ trình chuyển đổi sẽ bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân, ô-tô và phương tiện thuộc các đơn vị hành chính công, doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân)…
Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện chương trình chuyển đổi phương tiện cho tài xế “xe ôm” công nghệ và giao hàng, từ xe chạy xăng sang xe điện. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 400.000 xe máy giao hàng và “xe ôm” công nghệ đang hoạt động. Đây là nhóm phương tiện giao thông có mức độ gây ô nhiễm khá cao, cho nên cần chuyển đổi trước. Với đặc điểm di chuyển nhiều và trên phạm vi rộng, hình ảnh “xe ôm” công nghệ và xe giao hàng chạy bằng điện sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, góp phần vào việc chuyển biến và đẩy mạnh thói quen sử dụng xe điện hoặc xe năng lượng xanh.
Dự kiến, từ tháng 1/2026, thành phố sẽ bắt đầu triển khai thực hiện những chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với tài xế xe máy xăng (“xe ôm” công nghệ và xe giao hàng). Chương trình này đặt ra mục tiêu đến năm 2029 sẽ chuyển đổi toàn bộ xe hai bánh (từ xăng sang điện) cho tất cả tài xế (“xe ôm” công nghệ và người giao hàng), loại bỏ lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện giao thông này. Cơ quan chức năng đề xuất chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới (sử dụng năng lượng xanh, sạch), xử lý phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất sẽ có mức độ và nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường cao hơn. Thành phố cần nhanh chóng “vá lỗ hổng”, xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế để khắc phục, giảm ô nhiễm môi trường, “xanh hóa” môi trường sống nói chung và hoạt động giao thông nói riêng.
Thành phố cần đưa ra lộ trình và giải pháp cụ thể đối với việc kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trong dài hạn (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050); sớm phân vùng, ưu tiên những phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch và hạn chế những phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại trung tâm thành phố, Cần Giờ, Côn Đảo...
Các đơn vị chức năng liên quan cần bổ sung quy hoạch phương án phát triển, kết nối giao thông nội vùng, liên vùng, các bến xe hiện đại ở những cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố… Đồng thời, cần sớm hoàn chỉnh khung pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, có nhiều ưu đãi… để thu hút khối kinh tế tư nhân đầu tư vào các dự án giao thông xanh.
Trong đó, kết cấu hạ tầng phục vụ giao thông xanh (nhất là trạm sạc pin, trạm tiếp nhiên liệu xanh) cần được phát triển trước một bước để người dân yên tâm và mạnh dạn chuyển đổi phương tiện đi lại… Bên cạnh đó, cần rút ngắn đến mức thấp nhất khoảng cách giữa chính sách, quy hoạch và công tác thực thi, không để tồn tại tình trạng “quy hoạch treo” hoặc dự án chậm trễ tiến độ.