Thế giới trực tuyến trong tương lai

Sự kiện công ty mẹ sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook quyết định đổi tên thành Meta và công bố đầu tư cho dự án xây dựng “vũ trụ ảo” metaverse đã thu hút sự chú ý giới công nghệ toàn cầu. Metaverse được coi là bản nâng cấp những kết nối trên internet hiện nay và là tương lai của thế giới trực tuyến.

Facebook cần chuẩn bị phần cứng đủ mạnh cho dự án metaverse. Ảnh: FACEBOOK
Facebook cần chuẩn bị phần cứng đủ mạnh cho dự án metaverse. Ảnh: FACEBOOK

Siêu dự án metaverse 

Ngày 27/10, công ty mẹ sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã đổi tên thành Meta, nằm trong chiến lược đổi tên thương hiệu lớn với nhiều dự án trong tương lai. Theo Financial Times, công ty này cho biết sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài lĩnh vực truyền thông xã hội. Mặc dù vậy, hoạt động của các nền tảng riêng lẻ như Facebook, Instagram, WhatsApp… của hãng vẫn được giữ nguyên. 

Động thái đổi tên công ty mẹ diễn ra trong bối cảnh Facebook đang phải đối mặt hàng loạt chỉ trích về việc các mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đối tượng người dùng nhỏ tuổi, cũng như lan truyền tin giả, thông tin sai lệch... Đặc biệt là sau khi “người tuýt còi” Frances Haugen - cựu nhân viên của Facebook cáo buộc công ty đặt “lợi nhuận lên trên sự an toàn của khách hàng” trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng 10.

Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg cũng công bố kế hoạch xây dựng một “vũ trụ ảo” metaverse của riêng hãng này, với tầm nhìn như một thế giới trực tuyến nơi mọi người có thể chơi game, làm việc, giao tiếp trong môi trường ảo. Trong giới công nghệ, thuật ngữ metaverse đề cập việc con người có thể tương tác trên không gian kỹ thuật số một cách sống động như thật, bằng cách sử dụng các công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR). 

Người đứng đầu Facebook khẳng định đây là dự án đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn. “Đây không phải là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho chúng tôi trong tương lai gần”, nhà sáng lập Facebook cho biết. Giới quan sát cũng dự báo, việc Facebook đẩy mạnh đầu tư vào metaverse có thể trở thành một “cỗ máy kiếm tiền” cho hãng này vào khoảng 10 năm tới, chủ yếu đến từ doanh thu thương mại điện tử. Trước đó, vào tháng 7, Facebook đã thông báo thành lập nhóm dự án tập trung vào xây dựng metaverse. Tháng 9, Facebook cho biết đã nâng vị trí của Giám đốc phụ trách phần cứng Andrew Bosworth lên vị trí Giám đốc công nghệ. 

“Hy vọng của chúng tôi trong thập niên tới, metaverse sẽ đạt mốc một tỷ người sử dụng, xây dựng được cộng đồng thương mại điện tử trị giá hàng trăm tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho các nhà phát triển và sáng tạo”, Mark Zuckerberg cho biết. Mark cũng công bố trích 10 tỷ USD từ lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm nay đầu tư cho phòng thí nghiệm thực tế ảo của Facebook. Nhà sáng lập 37 tuổi dự kiến chi phí nghiên cứu và phát triển của đơn vị kinh doanh mới sẽ tiếp tục tăng cao, khi hãng phải đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm và nội dung liên quan thực tế ảo, thực tế tăng cường cho metaverse. Công ty đang bổ sung 10.000 nhân sự ở châu Âu để làm việc trong dự án metaverse, tăng 14% về số lượng so với hiện tại là 68.177 nhân viên.

Thế giới trực tuyến trong tương lai -0
 Mark Zuckerberg giới thiệu kính thực tế ảo Oculus phục vụ dự án Metaverse.
Ảnh: GETTY IMAGES

Thương mại điện tử trên metaverse

Metaverse đang nhanh chóng trở thành một từ thông dụng trong giới công nghệ và kinh doanh. Từ một khái niệm được coi là viễn tưởng, metaverse nay đã trở thành một thuật ngữ chỉ hệ sinh thái bao hàm nhiều hoạt động thực tế ảo triển khai thông qua internet. Chuyên trang công nghệ Information.com có trụ sở ở Mỹ đánh giá, vào năm 2025, doanh thu từ các lĩnh vực như trò chơi, thương mại điện tử và quảng cáo thông qua nền tảng metaverse của Facebook có thể đạt gần 82 tỷ USD, gần bằng doanh thu quảng cáo của hãng này năm 2020. 

Trên thực tế, metaverse không phải là ý tưởng của riêng Facebook. Khái niệm được kết hợp giữa hai từ “meta” và “universe” có nghĩa là “vượt ra ngoài vũ trụ”, bắt nguồn từ một bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng xuất bản từ năm 1962. Mặc dù vậy, với sự phát triển của công nghệ ngày nay, nhiều khái niệm tưởng chừng là “viễn tưởng” đã dần trở thành thực tế. Công nghệ cũng thay đổi chóng mặt trong 10 năm qua với những thành tựu nghiên cứu cũng như các ứng dụng vượt bậc về trí tuệ nhân tạo (AI), VR, AR… và mang lại cho con người những trải nghiệm “siêu thực”. Bởi vậy, với sự tham gia và cam kết đầu tư mạnh tay của ông chủ Facebook, nhiều người tin rằng metaverse có thể là tương lai của internet.

Theo Forbes, thuật ngữ metaverse đã được sử dụng để mô tả thế giới trò chơi, trong đó người dùng có một nhân vật đại diện (avatar) có thể đi lại và tương tác với những người chơi khác. Ngoài ra, việc phát triển metaverse cũng sử dụng công nghệ blockchain, trong đó người dùng có thể mua “đất ảo” và các tài sản kỹ thuật số khác bằng cách sử dụng tiền điện tử. Nhiều cuốn sách và bộ phim khoa học viễn tưởng đã “vẽ” ra một thế giới kỹ thuật số không thể phân biệt được với thế giới thật, nhưng trên thực tế, hiện nay hầu hết không gian ảo mới chỉ dừng ở mức mô phỏng như một trò chơi điện tử hơn là cuộc sống thực.

Tuy nhiên, thay vì chỉ thao tác thông qua máy tính, những người sử dụng hay “người chơi” trong metaverse có thể dùng các thiết bị hỗ trợ như tai nghe, kính VR để bước vào thế giới ảo, kết nối tất cả các loại môi trường kỹ thuật số. Facebook cũng đặt kỳ vọng “vũ trụ ảo” của hãng có thể được ứng dụng cho mọi hoạt động, từ công việc, vui chơi, nghe hòa nhạc đến giao lưu với bạn bè, gia đình, và thậm chí là công sở ảo cho toàn thế giới. 

Tuy nhiên, để đi đến giai đoạn “tiến hóa” này, điều cần hơn cả là chuẩn bị hạ tầng cơ sở phần cứng thật sẵn sàng. Trong lĩnh vực này, dự báo Facebook sẽ phải chia sẻ thị phần với các nhà cung cấp dịch vụ và phần cứng đi trước, cũng như với những đối thủ khác trong cuộc đua công nghệ metaverse. 

Đi trước Facebook, một số tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, Disney… hay “ông lớn” chiếm lĩnh thị trường đồ họa Nvidia cũng tỏ rõ tham vọng trong lĩnh vực “vũ trụ ảo”. Như Nvidia đã công bố kế hoạch Omniverse nhằm thiết lập nền tảng mô phỏng và cộng tác ảo đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, hai công ty game online là Epic Games và Roblox đã cung cấp trải nghiệm tương tự như metaverse cho số đông người dùng. Trên thế giới, nhiều triệu phú trẻ đã thành công nhờ sáng tạo nội dung và dịch vụ cho metaverse. 

Ý tưởng về việc hội tụ thế giới kỹ thuật số và thế giới thật cũng được triển khai, với các buổi hòa nhạc ảo hay các công ty thời trang lớn thử nghiệm sản xuất quần áo ảo để mặc cho avatar, cũng như trình diễn thời trang ba chiều… Metaverse còn được xem là hướng đi tương lai của ngành tiếp thị và truyền thông, giống như việc các mạng xã hội đã “cách mạng hóa” thị trường thương mại điện tử trong những năm qua.

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đánh giá, để có thể phát triển một metaverse như vậy trong tương lai phải chuẩn bị bắt đầu từ nền tảng kỹ thuật số, cũng như phần cứng đủ mạnh nhằm bảo đảm kết nối thông suốt trong một hệ thống dữ liệu khổng lồ. Hiện nay, phần lớn máy tính cá nhân thông thường không đủ mạnh để thực hiện kết nối đa nhiệm trong một không gian như mataverse.

Còn đối với Facebook, mặc dù “siêu dự án” metaverse đã bước đầu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, song vẫn còn đó bài toán kiểm soát, quản lý mạng xã hội và các sản phẩm công nghệ để hạn chế những bất cập, mặt tối mà “gã khổng lồ” này đang phải đối mặt trên toàn cầu.