Tự hào, thành phố tiên phong

Bài 4: Thành phố của ấm no, hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Tròn 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua gian khó, nỗ lực vươn lên với khát vọng không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là thành phố đáng sống, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

THÀNH PHỐ KHÔNG CÒN HỘ NGHÈO

Ông Bùi Văn Cường ở Phường 9, quận Phú Nhuận có hai người em ruột bị bệnh tâm thần và bại liệt, kinh tế của cả gia đình đều trông cậy vào việc làm thuê, làm mướn bấp bênh của ông. Từ ngày được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học nghề, hỗ trợ vốn để mở cửa hàng sửa chữa giày dép tại nhà, kinh tế gia đình ông Cường từng bước ổn định, thoát cảnh nghèo khó.

Với phương châm trao “cần câu” chứ không trao “con cá”, trong những năm qua, quận Phú Nhuận đã huy động các nguồn lực trong xã hội để giảm nghèo bền vững cho người dân. Đầu giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn quận còn 639 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,35% hộ dân) thì chỉ đến tháng 3/2024 đã không còn hộ nghèo, chỉ còn 292 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,62% hộ dân) với hơn 1.350 nhân khẩu.

Quận Phú Nhuận đã được thành phố công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Quận Phú Nhuận là một điển hình tiêu biểu trong chương trình giảm nghèo bền vững tại thành phố, được khởi xướng từ năm 1992.

Đến nay, chương trình đã trải qua 7 giai đoạn, 10 lần điều chỉnh chuẩn. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo chương trình cho biết, chương trình giảm nghèo mà thành phố triển khai luôn cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia từ 1 đến 2 lần. Bắt đầu từ giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt xã hội cơ bản.

Phương pháp này không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà thu nhập là thước đo về thiếu hụt thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn thành phố được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đầu giai đoạn, thành phố có khoảng 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,29% trên tổng hộ dân. Đây cũng là giai đoạn thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiều giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, đến cuối năm 2022, thành phố đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo chung của cả nước, hoàn thành mục tiêu quan trọng trước thời hạn.

Cuối năm 2023, thành phố chỉ còn 8.293 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố, chiếm tỷ lệ 0,33% tổng số hộ dân và hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 là “Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố”.

Hiện nay, thành phố đã có 14 địa phương (gồm 11 quận 1, 3, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, 2 huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức) hoàn thành phúc tra không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, đến giữa tháng 4/2025, 8 quận, huyện còn lại (gồm 5 quận 4, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, 3 huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ hoàn thành công tác phúc tra; góp phần hoàn thành mục tiêu “không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025” hướng đến chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, thành phố cũng hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện người có công với cách mạng.

MIỄN HỌC PHÍ CHO TẤT CẢ CÁC CẤP HỌC

Năm nay là năm vui nhất đối với gia đình anh Dũng, chị Ánh. Từ Thanh Hóa vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp hơn 10 năm, nỗi lo lớn nhất của anh chị là không đủ tiền cho con ăn học. Nhà có 3 con, đã có những thời điểm anh chị tính cho cậu con trai lớn đang học lớp 11 nghỉ học vì không lo nổi tiền học phí. Khi nghe tin, năm học 2025-2026, thành phố miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông (trừ trường có vốn đầu tư nước ngoài), anh chị thở phào nhẹ nhõm. “Đối với lương công nhân như vợ chồng tôi, học phí của ba cháu là khoản tiền rất lớn. Tháng nào tôi cũng đóng tiền học trễ vì gia đình không đủ tiền, các cháu xấu hổ cứ đòi nghỉ học”, anh Dũng cho biết.

Đây không phải là lần đầu thành phố ban hành chính sách nhân văn cho ngành giáo dục. Trong bốn năm, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024- 2025, thành phố đã chi gần 4.200 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh, cả công lập và ngoài công lập. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 1,7 triệu học sinh, trong đó phần lớn là con em người dân lao động, đời sống còn khó khăn. Việc miễn học phí không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo, có nhiều con, mà còn tạo ra cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh. Nhờ đó, các em có thể tự tin đến trường và nuôi dưỡng ước mơ, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.

Đánh giá về chính sách miễn học phí của thành phố, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là việc làm nhân văn, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân; chính sách cũng phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn mới, từ đó thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư của thành phố cho ngành giáo dục.

TỰ HÀO NGÀNH Y TẾ THÀNH PHỐ

Đã hơn một năm trôi qua, nhưng sự kiện ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ đã “thông tim trong bụng mẹ” thành công để cứu sống một thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng còn mãi trong tâm trí những người làm trong ngành y tế. Đây là sự kiện cho thấy ngành y tế thành phố đã đi vào kỹ thuật chuyên sâu, vươn tầm phát triển khu vực.

Trước đó, lần đầu tiên trên cả nước, người dân xã đảo Thạnh An được tiếp cận dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trước đó, sau khi khám bệnh, người dân phải chờ vài ngày mới có kết quả nhưng với việc tầm soát bằng công nghệ AI, nhận được hình ảnh soi cổ tử cung, AI sẽ thông báo ngay kết quả.

Chị Nguyễn Thị Bình, một người dân đến trạm y tế xã đảo cho biết, khi có sự hỗ trợ kỹ thuật hiện đại bằng công nghệ AI khiến chị cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn khi đến tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý để được điều trị kịp thời. Cũng từ năm 2025 trở đi, thành phố đã tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi trên địa bàn thành phố tiếp cận dịch vụ y tế.

Thành phố đặt mục tiêu bảo đảm 100% người cao tuổi được khám sức khỏe tại những bệnh viện tốt hằng năm… Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22 bệnh viện tuyến cuối, mỗi năm không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân thành phố, mà còn tiếp nhận và điều trị cho hàng triệu người dân trong cả nước và quốc tế...

(Còn nữa)

(★) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân các số ngày 1, 4 và 8/4/2025.