Ý chí thép của nữ cựu tù chính trị Côn Đảo

Kỳ 2: Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao
0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên Việt Nam hôm nay tự hào về truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước.
Thanh niên Việt Nam hôm nay tự hào về truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước.

(Tiếp theo và hết)

“Đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc” là dòng chữ được thêu trên tấm khăn tay của nữ tù Phan Thị Bé Tư khi bị giam ở Côn Đảo. Kỷ vật ấy sau này được bà Tư trao tặng cho di tích Nhà tù Côn Đảo và đang được trưng bày tại đây.

Lớp học, sàn diễn nơi “chuồng cọp”

Trong mỗi “chuồng cọp” (cách gọi một dạng phòng giam chật chội tại đây), chúng thường nhồi nhét 5 người vào giam chung. Mỗi phòng còn đặt một thùng gỗ phết keo chung quanh, để chất thải không chảy ra ngoài. Đến tối, cai tù cho các tù nhân mấy phút đi tắm. Tranh thủ lúc ấy, các nữ tù đổ thùng cầu và múc nước vào thùng cầu ấy. Do không có xà-phòng, nên họ đành lấy cát để chà vào thùng cầu, rồi rửa sạch với nước. Sau đó, mới múc nước từ giếng lên đổ vào thùng. Nước ấy được đem về phòng để tắm rửa cho các bà, các dì lớn tuổi. Nhiều khi, chưa tắm xong, cai tù đã mở toang cửa phòng tắm ra vì hết thời gian cho phép. Nên ai chưa kịp tắm cũng chỉ đành về phòng, lấy nước từ thùng cầu ấy để dội qua cho mát.

Trái ngược với điều kiện thiếu thốn về vật chất, các chị em cũng tự tổ chức cho mình cuộc sống sinh hoạt cố gắng đầy đủ về tinh thần nhất có thể. Sống trong cảnh lao tù như thế, các nữ tù ý thức hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức. Bởi tiếp thêm kiến thức cũng đồng nghĩa với việc tiếp thêm khí tiết, ý chí chiến đấu của người chiến sĩ. Nhân lúc đi đổ cầu, các nữ tù nhặt tạm viên đá, mẩu gạch vỡ đem về buồng giam làm phấn. Tường, sàn của “chuồng cọp” được dùng làm bảng đen. Trên tấm “bảng đen” sần sùi ấy, những bài học về văn hóa, chính trị như thắp lên ánh sáng tri thức cho các chiến sĩ. Theo lời kể của bà Cẩm, tùy theo từng trình độ nhận thức của các học sinh mà sẽ có các lớp học khác nhau. Chị nào từng học qua đại học, tú tài sẽ dạy chữ, dạy văn hóa cho các em nhỏ. Các dì lớn tuổi, từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo các phong trào trước khi bị bắt vào tù sẽ dạy chính trị. Những người có thể dạy chính trị thường không nhiều. Cho nên, 3-4 phòng cùng có chung một cô giáo. Các học trò sẽ đọc đồng thanh, phòng kế bên nghe thấy sẽ đọc theo. Giọng đọc đồng thanh từ các buồng giam cộng hưởng lại với nhau, như xuyên qua những lớp tường kiên cố nơi ngục tù.

“Để học được cũng bầm dập lắm!”. Phía trên các buồng giam đều có những song sắt để chúng có thể theo dõi các động thái của tù nhân, và có lối đi dẫn lên trên đó. Hướng mắt xuống các song sắt, chúng không chỉ theo dõi, mà còn tra tấn các tù nhân bằng cách lấy gậy chọc xuống đầu các tù nhân, khiến cho trầy xước, chảy máu da đầu để họ không thể học được. Có khi chúng đổ nước lạnh vào mùa rét, chùm chăn bịt kín song sắt vào mùa nóng. Thế nhưng, càng bị tra tấn, các nữ tù càng hăng say đọc lớn bài giảng. Nhờ những lớp học thô sơ mà “bầm dập” ấy, sau này khi được trao trả, tham gia vào các chương trình học bổ túc, các nữ tù năm xưa học tập tiến bộ rất nhanh. Trong vòng vài tháng, các bà đã có thể thi chuyển lên lớp trên.

Ý chí thép của nữ cựu tù chính trị Côn Đảo ảnh 1

Các cựu tù chính trị Côn Đảo bồi hồi trở lại thăm nhà tù xưa. Ảnh: NGUYỄN Á

Bà Cẩm nhớ lại, các nữ tù còn dạy cho nhau nữ công gia chánh, may vá, thêu thùa. Vải thêu được giữ trong những chuyến thăm nuôi của người thân khi còn bị giam trong đất liền. Chỉ thêu được rút từ những mảnh vải ấy. Các cô văn công thì dạy các chị em các bài hát, các điệu múa. Khi thì học hát các bài hát mà văn công thường biểu diễn trước khi bị bắt nhốt như “Kết đoàn”, “Bác cùng chúng cháu hành quân”... Cũng có khi lại tập những khúc ca được sáng tác ngay trong ngục tù. “Không cho chúng nó đánh, không cho chúng nó thoát. Tụi bay không có đường ra”, đó là một câu hát được viết lên ngay trong nhà giam mà bà Tư còn ấn tượng cho tới bây giờ.

Sau những giờ học hát, học múa, các nghệ sĩ “tay ngang” biểu diễn ngay trong buồng giam. Hóa trang, phục trang cũng được chuẩn bị khi xin được những viên thuốc có mầu đỏ, mầu đen, nghiền ra với nước, để vẽ môi, đánh má hồng, kẻ lông mày. Các phụ kiện đính trên trang phục diễn thường là những mảnh giấy gói kẹo có mầu xanh, đỏ, vàng, vỏ bao thuốc lá có mầu bạc, mà bọn cai tù vứt xuống đất. Đây đều là những “chiến lợi phẩm” các nữ tù nhặt nhạnh được trong những giờ ra sân tắm nắng. Lên sân khấu, các diễn viên “tay ngang” diễn các nội dung châm biếm, đả kích sự tàn ác của chế độ cũ.

“Rải vôi bột từ trên song sắt xuống, không cho tắm trong 52 ngày…”, đó là những hình phạt cho việc tổ chức sinh hoạt phán kháng lại gông cùm trói buộc thân thể. Thế nhưng, yếu tố để vượt qua những ngày tháng gian khổ trong tù, theo bà Cẩm, chính là nhờ sức mạnh tập thể. Nếu không, bà Cẩm cũng không dám chắc bản thân mình có thể vượt qua những ngày tháng ác liệt ấy không. Các bà, các dì lớn tuổi, có kinh nghiệm, dạy dỗ đàn con, đàn cháu. Các tù nhân nương nhau mà sống, chiến đấu cùng nhau, dần dần tình cảm cũng ấm áp như mẹ con trong gia đình.

Những thầy thuốc góp công thống nhất non sông

Niềm hạnh phúc trong “đại gia đình” ở Côn Đảo còn được vun đắp bởi những y bác sĩ làm việc dưới chế độ lao tù, tận trung với cách mạng, tận tâm với những người chiến sĩ cộng sản. Bà Lê Tú Cẩm chia sẻ, ngày trước ở trong đất liền còn có chế độ thăm nuôi. Mấy bà mẹ vào thăm nuôi lại trở thành giao liên, trao đổi thông tin liên lạc giữa các tù chính trị với những người tổ chức phong trào đòi cải thiện chế độ lao tù ở ngoài. Các bà cũng tiết lộ cho các tù chính trị sắp tới bên ngoài có cuộc đấu tranh gì…

Ra tới Côn Đảo, mọi chế độ thăm nuôi đều chấm dứt. Nhưng may mắn, các y bác sĩ hỗ trợ rất nhiệt tình cho các tù chính trị. Chính họ đã góp công rất lớn cho tiếng nói của những người chiến sĩ giải phóng phải chịu cảnh tù đày được gián tiếp cất lên trong Hội nghị Paris năm 1973. Thời điểm sắp diễn ra hội nghị, có cô y tá bảo các tù chính trị ghi tên những người chưa được trao trả vào miếng vải, rồi may vào áo. Đến khi đi lấy thuốc, các nữ tù giả vờ để quên tấm áo. Sau đó, các cô y tá giúp chuyển ra bên ngoài, để gửi tới tận tay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…

Bà Tư may mắn hơn nhiều anh chị em bạn tù là trở về đất liền sớm hơn ngày giải phóng 1 năm. Ngày 5/3/1974, bà được trao trả về sân bay Lộc Ninh (Bình Phước). Sau khi diễn văn nghệ liên hoan mừng ngày Quốc tế Phụ nữ ở Hội trường Lộc Tấn, bà được giao nhiệm vụ về xây dựng căn cứ tại xã Long Tiên (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang). Tại đây, bà cùng với các đồng đội được phân công đào hầm, đưa cán bộ xuống căn cứ bí mật giao lưu, học chính trị. Đồng thời, vận động nhân dân trong khu vực xây dựng cơ sở kháng chiến tại chỗ, làm lực lượng chở che cho cách mạng.

Cho đến trước khi được trao trả vào năm 1973, địch vẫn bắt các tù nhân lăn vân tay, chụp hình. Từ đó, chúng tráo án, quy kết các tù nhân chính trị vào nhóm “gian dâm hiệp đảng” (tức những tội phạm trộm cướp, bán dâm). Rồi chúng trả các tù thường phạm về cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, coi như đã thực hiện cam kết trao trả tù chính trị về với cách mạng. Các y bác sĩ trong nhà tù Côn Đảo biết được những thông tin về Hội nghị Paris, và động thái của chính quyền Sài Gòn nên muốn báo lại cho các tù chính trị. Trong số đó có bác sĩ Nguyễn Minh Triết viết chữ rất đẹp. Ông viết chữ rất nhỏ trên một mảnh giấy. Sau đó, trút hết bột trong viên thuốc con nhộng, rồi nhét mảnh giấy vào trong đó. Nhân lúc phát thuốc, ông ra tín hiệu để các chiến sĩ có thể hay biết và mở ra đọc thông tin. Trong mảnh giấy, ông cho biết, phía Việt Nam Cộng hòa đã chấp nhận trao trả tù nhân cho cách mạng. Chính vì vậy, sắp tới có đợt cho các tù chính trị lăn vân tay, chụp ảnh chân dung để làm hồ sơ trao trả cùng kế hoạch tráo án của chúng.

Các tù chính trị đã mách nhau ngâm bàn tay vào nước, rồi mài ngón tay xuống nền xi-măng. Ngày nào cũng vậy, cứ ăn cơm xong, lại mài cho tới khi những đầu ngón tay trầy xước, rướm máu, để không còn dấu vân tay thì thôi. Thế rồi, chúng bắt các chiến sĩ chụp ảnh để lưu vào hồ sơ. Lúc chụp ảnh, chúng nắm đầu, không cho các chiến sĩ động đậy. Nhưng các chiến sĩ lại nhắm nghiền mắt lại, há miệng to ra, để bức ảnh không thấy rõ khuôn mặt. Song phải đến ngày 5/5/1975 những tù nhân chính trị cuối cùng mới được rời Côn Đảo để trở về đất liền. Từ đó, ngày 5/5 được lấy làm ngày Giải phóng Côn Đảo.

Ý chí thép của nữ cựu tù chính trị Côn Đảo (kỳ 1)