Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại số

NDO - Tình trạng hàng giả, hàng nhái không phải là hiện tượng mới nhưng đang trở nên trầm trọng hơn trong thời gian gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số”. (Ảnh: KIM DUNG)
Tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số”. (Ảnh: KIM DUNG)

Ngày 28/5, tại Hà Nội, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập - cơ quan ngôn luận của Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu thương hiệu và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thị trường đầy biến động và cạnh tranh gay gắt, thương hiệu không chỉ là hình ảnh, là logo, mà là biểu hiện của đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và uy tín quốc gia”.

Nhận định này đặc biệt có ý nghĩa khi thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với những biến số khó lường: từ bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế vĩ mô, đến các hàng rào kỹ thuật, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, và đáng lo ngại hơn cả là làn sóng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và quy mô lớn.

Theo báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương, trong những tháng đầu năm 2025, cả nước đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, trốn thuế; và hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những con số đó không chỉ phản ánh tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng thị trường, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng một hệ thống phòng vệ vững chắc cho thương hiệu - coi đây là một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS,TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh: “An ninh không chỉ là bảo vệ thương hiệu, mà còn là làm ổn định thương hiệu để phát triển bền vững”.

Theo ông Thịnh, thương hiệu không đơn thuần là ấn tượng thị giác hay câu chuyện truyền thông. Đó là sự cam kết với khách hàng, được hình thành từ quá trình cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đáng tin cậy. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, việc xác thực và kiểm soát thông tin trở thành yếu tố sống còn.

“Niềm tin của khách hàng được xây dựng dựa trên việc họ tiếp cận thông tin chính xác từ doanh nghiệp. Do đó, cung cấp và xác thực thông tin trở thành yếu tố then chốt để bảo vệ hình ảnh thương hiệu”, ông nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, trước sự thay đổi chóng mặt của hành vi tiêu dùng, áp lực cạnh tranh và những mưu mẹo tinh vi trong gian lận thương mại, việc bảo vệ thương hiệu không còn là trách nhiệm đơn lẻ của nhà nước. Chính các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống giám sát nội bộ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, minh bạch hóa quy trình truy xuất nguồn gốc và tận dụng công nghệ số trong quản trị chuỗi cung ứng.

Trong thời đại công nghệ hóa, những công cụ như blockchain, trí tuệ nhân tạo, mã QR truy xuất nguồn gốc… chính là vũ khí giúp doanh nghiệp không chỉ quản trị rủi ro mà còn khẳng định bản lĩnh cạnh tranh.