Bất cập chợ tạm, quán cóc quanh khu đô thị

Hà Nội hiện có hơn 350 khu đô thị theo thống kê năm 2021 và hiện tại có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, những dịch vụ đi kèm cho cư dân có vẻ như chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc quán cóc, chợ tạm mọc lên như nấm chung quanh các khu đô thị, đi kèm nhiều bất cập liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc chợ tạm trên phố Doãn Kế Thiện.
Một góc chợ tạm trên phố Doãn Kế Thiện.

Vì cung chưa đủ đáp ứng cầu

Nhiều người dân ở một số khu đô thị lớn như Goldmark City tại số 136 đường Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm), khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm), khu đô thị Thành phố giao lưu (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm), Khu đô thị Vinhomes Gardenia Hàm Nghi (Cầu Diễn, Từ Liêm) hay dự án Kosmo 161 phố Xuân La (Xuân Đỉnh, Tây Hồ) đã có phản ánh về tình trạng quán cóc, chợ tạm ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vừa gây mất trật tự, ảnh hưởng giao thông vừa để lại rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Phản ánh về chợ tạm ở sau khu biệt thự trên phố Nguyễn Xuân Khoát (Bắc Từ Liêm), kéo dài sang dọc ngõ 117 đường Xuân Đỉnh (Xuân Tảo, Tây Hồ), ông Nguyễn Tiến Đạt (46 tuổi), cư dân sống tại ngõ chia sẻ: “Dưới chân khu đô thị Ngoại giao đoàn có không ít siêu thị, cửa hàng tiện ích và hàng ăn... Những cơ sở này chưa đủ để phục vụ nhu cầu mua bán, tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trong khi đó, khu chợ tạm, quán cóc ở đây thường bán đồ tươi sống, giá cả cũng phải chăng và thuận tiện nên nhiều khách đến mua. Tuy nhiên, khu chợ và hàng quán cũng gây ra nhiều bất cập cho cư dân trong ngõ chúng tôi. Thường họp chợ sớm nên ở đây sáng sớm đã rất ồn ào. Đó là chưa kể mùi thịt, cá gây khó chịu, cộng thêm ô nhiễm rác thải và gây cản trở giao thông. Nhiều lần phường đã xử lý hành chính hoặc dẹp chợ nhưng được một thời gian, đâu lại hoàn đấy”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với một số tuyến đường quan trọng hoặc đông đúc như tại đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy), đường Hoàng Công Chất (Bắc Từ Liêm), đường Trần Vỹ và Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Cầu Giấy)... Đơn cử như đoạn đường Hoàng Quốc Việt giao đường Trần Quốc Hoàn, lòng đường và vỉa hè vẫn bị những dãy nhà tạm hai bên đường lấn chiếm. Đây chủ yếu là hàng ăn, garage sửa chữa, rửa xe ô-tô... “Phía trên ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Trần Quốc Hoàn đến ngã tư Xuân Thủy thì đường hai làn đẹp và rộng rãi. Nhưng ở phía này thì làm gì có chỗ cho người đi bộ. Đến giờ cao điểm buổi chiều, các xe thô sơ chở phụ tùng, vật liệu xây dựng hay dừng đỗ, hoặc xe cộ của khách ăn tại các hàng bia để tràn cả dưới lòng đường, thường gây ùn tắc. Đó là chưa nói tới nước rửa xe chảy tràn lênh láng xuống đường, mất vệ sinh và mỹ quan”, chị Bùi Ánh Tuyết (32 tuổi), người dân sống tại đường Trần Quốc Hoàn cho hay.

Cần giải pháp đồng bộ, bám sát thực tế

Rõ ràng, việc các chợ tạm, quán cóc ăn theo các khu đô thị, tuyến đường lớn là do “có cầu mới có cung” để “bù lấp” tạm thời sự mất cân bằng giữa tốc độ đô thị hóa với việc phát triển cơ sở hạ tầng kèm theo. Nhìn từ góc độ quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đã bảo đảm phê duyệt những khu đô thị đạt chuẩn với đầy đủ các yếu tố phục vụ, nâng cao cuộc sống của người dân. Hiện nay, có thể khẳng định đa số các khu đô thị đều phải có hầm để xe, bãi đỗ xe, khu vui chơi, siêu thị… Trong đó, hệ thống siêu thị, hàng ăn tại các khu đô thị phải bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm hằng ngày cho cư dân.

Trong thực tế, nhiều khu đô thị có dịch vụ tập trung chủ yếu vào các đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Giá thuê mặt bằng của các khu đô thị này cũng không hề rẻ, dẫn tới giá thành dịch vụ và sản phẩm cao hơn. Trong khi đó, chung quanh khu đô thị vẫn còn thiếu hạ tầng cho chợ dân sinh, chợ truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu do công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Việc đầu tư, cải tạo chợ cũng không thu hút được nguồn vốn xã hội hóa do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách…

Việc xây dựng chợ truyền thống hoặc các trung tâm thương mại cần rất nhiều công đoạn như bố trí quỹ đất, địa điểm, bảo đảm nhiều yếu tố về giao thông, phòng cháy, chữa cháy… Nhưng khi xây xong cơ sở hạ tầng cho chợ truyền thống thì lại nảy sinh một nghịch lý. Đó là các chợ truyền thống tập trung thường vắng khách, trong khi các quán cóc, chợ tạm lại rất đông. Đây là hệ quả từ thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, luôn coi sự thuận tiện trong mua sắm là ưu tiên hàng đầu, điều mà quán cóc, chợ tạm đáp ứng rất tốt. Chưa kể, sự linh hoạt đó đã làm công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng bao năm chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Phản ánh đề xuất của người dân, ông Đặng Hoàng Giang (68 tuổi), một cán bộ phường về hưu sống gần khu đô thị Thành phố giao lưu (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Nhiều cư dân chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương và chủ đầu tư, đơn vị quản lý khu đô thị nhanh chóng dẹp bỏ chợ tạm, trả lại cảnh quan sạch đẹp, văn minh. Tuy nhiên, không ít người dân trong khu vực thuộc tầng lớp có thu nhập thấp. Bởi vậy, việc xây chợ dân sinh tiện lợi với giá cả phải chăng cũng là một yêu cầu bức thiết, quan trọng không kém đối với chúng tôi”.

Trên phố Hoàng Công Chất (Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Văn Giáp (Nam Từ Liêm), các chợ tạm mở sáng sớm và chiều tối, biến vỉa hè, lòng đường thành nơi bày bán rau xanh, thịt, cá, hải sản, thậm chí giết mổ gia cầm… Chưa kể người đến mua hàng vô tư dừng đỗ, gây ách tắc giao thông.