Thời điểm này ở rất nhiều cơ quan, công sở từ trung ương đến địa phương, trên khắp cả nước không còn khái niệm làm việc giờ hành chính. Lãnh đạo các cấp, cán bộ chuyên môn các phòng, ban thường xuyên làm việc ngoài giờ, tối sớm, bất kể ngày nghỉ, thứ bảy hay chủ nhật.
Ngay đầu tuần này, sáng 17/3, tại cuộc họp cho ý kiến về Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang đi vào giai đoạn thứ hai, chuẩn bị sắp xếp bộ máy cấp xã; sau khi sửa đổi Hiến pháp sẽ đi vào nghiên cứu xem xét việc bỏ cấp huyện và sắp xếp cấp tỉnh.
Người đứng đầu Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sau đó tổng hợp và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến ngay trung tuần tháng 4/2025 tới đây.
Trước đó, ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận số 127-KL/TW, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương và cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Đến ngày 11/3, Đảng ủy Chính phủ thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án sáp nhập giảm tới 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị cấp cơ sở so hiện nay.
Góp ý kiến về chủ trương này, TS Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật hạ tầng và Môi trường (SIIEE) cho rằng, việc tái cấu trúc mô hình quản lý của chính quyền địa phương theo hai cấp tỉnh/xã thay vì ba cấp tỉnh/huyện/xã là một bước đi cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai mô hình quản lý địa phương tinh gọn, dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và hệ thống giao thông hiện đại. Chẳng hạn, một số nước Bắc Âu đã áp dụng mô hình hành chính hai cấp, kết hợp chính quyền địa phương với các nền tảng số hóa, giúp giảm thiểu các khâu trung gian, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời tăng tính minh bạch và hiệu suất phục vụ người dân. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của giao thông và hạ tầng kỹ thuật giúp kết nối nhanh hơn giữa các địa phương, làm giảm sự cần thiết của cấp trung gian như huyện.
Hơn nữa, việc tinh giản bộ máy sẽ giúp giảm số lượng công chức hành chính, tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước, đồng thời tập trung đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục và hạ tầng số. Với nền tảng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ trong quản lý hành chính, tự động hóa nhiều quy trình, giúp chính quyền địa phương vận hành hiệu quả hơn mà không cần một bộ máy cồng kềnh. Vì vậy, mô hình tỉnh/xã là xu hướng tất yếu nhằm hướng đến một nền hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu quả hơn.
Đồng tình với chủ trương triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak (Singapore) phân tích: Ở quốc gia nào cũng vậy, mô hình chính quyền địa phương không bất biến, mà phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ngày trước khi giao thông còn khó khăn, công nghệ chưa phát triển, việc chia tách địa phương thành nhiều tầng nấc giúp sức cho nền quản trị quốc gia hiệu quả. Thế nhưng khi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại xuất hiện, hạ tầng phần cứng và phần mềm cải thiện, phân cấp hành chính thành nhiều đơn vị nhỏ làm mất đi lợi thế quy mô của từng địa phương, dễ tạo ra vai trò trùng lặp và giẫm chân nhau, cũng như gây lãng phí nguồn lực nhà nước. Bởi vậy, xu hướng chung trên thế giới là giảm các tầng nấc quản lý, tăng cường quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, đồng thời tối đa hóa lợi thế quản lý bằng công nghệ số.
Việc Nhà nước tinh giản bộ máy hành chính thể hiện tư duy quản trị quốc gia hiện đại, nhấn mạnh vào đổi mới công nghệ và nguyên tắc phân quyền. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới cơ chế giám sát của người dân với cấp cơ sở, đặc biệt là khi vai trò của cấp xã được nâng lên trong giai đoạn tới. Làm được như vậy, chúng ta sẽ vừa nâng cao trách nhiệm của cấp cơ sở, tăng cường quyền làm chủ của người dân, trong khi tiết kiệm được nguồn lực ngân sách đáng kể cho các nhiệm vụ kinh tế-xã hội khác.
Đề cập nhiệm vụ triển khai Kết luận số 127, TS Nguyễn Khắc Giang cho rằng, công cuộc tinh gọn, sắp xếp bộ máy lần này cho thấy một bước tiến trong nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với việc định hình lại các đơn vị hành chính cũng như mô hình chính quyền địa phương. Những thay đổi theo dự kiến chắc chắn sẽ tái định hình mô hình cấu trúc quản trị địa phương cũng như quản trị quốc gia ở nước ta trong tương lai.
Cùng lưu ý vấn đề triển khai, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), chuyên gia Quản trị công và chính sách kiến nghị: Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trước hết cần tư duy, tiếp cận cấu trúc tổng thể. Có nghĩa là, các tỉnh nào sáp nhập với nhau không chỉ dựa vào diện tích và quy mô dân số, mà phải gắn với quy hoạch phát triển vùng, phát huy điều kiện hạ tầng, tích hợp được sự tương đồng về lịch sử phát triển, truyền thống và đặc thù văn hóa, đặc trưng kinh tế và lối sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. “Sẽ có thêm vấn đề nảy sinh từ chính mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đó là, khi ấy người dân chỉ còn hai lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công là cấp xã hoặc cấp tỉnh. Điều này có thể gây ra những bất cập, như sự quá tải của cấp xã hoặc sự vất vả, bất tiện của người dân khi phải lên cấp tỉnh. Chúng ta có nên tổ chức các đơn vị hành chính cấp trung gian, để có thể phục vụ kịp thời nhu cầu người dân trong một cụm xã hay không?”, TS Đáng đề xuất.