Mong là sự kiện văn hóa tiêu biểu
Lễ hội cầu ngư gắn liền với tục thờ cúng cá Ông (cá voi) và cá Bà (cá heo) của ngư dân vùng duyên hải Trung Bộ trải dài đến Nam Bộ, được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm gắn liền với tín ngưỡng của cư dân miền biển. Tại Bình Định, đã xây dựng hơn 15 nơi thờ tự cá Ông (hay còn gọi lăng Nam Hải) với quy mô lớn nhỏ khác nhau tạo thành nét văn hóa tinh thần độc đáo.
Trong lễ hội, những bài hát vọng ca, những câu chuyện kể về sự tích các vị thần biển được truyền lại, giúp người dân hiểu hơn về lịch sử và ý nghĩa của lễ hội. Những năm qua, vào mỗi dịp lễ hội, lượng du khách đổ về Bình Định tăng đột biến, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Những sản phẩm đặc sản địa phương như mực, cá khô, nước mắm… được tiêu thụ mạnh, góp phần cải thiện thu nhập cho ngư dân.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết, lễ hội cầu ngư không chỉ giúp người dân gìn giữ những phong tục, tập quán lâu đời mà còn là cơ hội để giới thiệu và quảng bá văn hóa Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước. Do vậy, các hoạt động trong lễ hội ngày càng được nâng cao về chất lượng, phong phú về nội dung, thu hút sự quan tâm của du khách và góp phần đưa lễ hội cầu ngư trở thành một sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh.
Để góp vào du lịch bền vững
Luôn ý thức gìn giữ, truyền dạy và trao truyền nghi thức tín ngưỡng của lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý cho thế hệ sau, nghệ nhân Nguyễn Kim Chức (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ, là thành viên của cộng đồng ngư dân Nhơn Lý, tôi luôn cảm thấy tự hào mỗi khi tham gia lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý. Ông cho biết, mỗi năm, khi lễ hội đến, không khí tại làng chài như được thổi một luồng sinh khí mới. Từ người già đến trẻ em, tất cả đều háo hức chuẩn bị và tham gia các hoạt động của lễ hội.
Nghệ nhân cũng bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ để lễ hội cầu ngư trở thành điểm nhấn văn hóa du lịch không chỉ của Nhơn Lý mà còn của cả vùng đất Quy Nhơn. “Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực gìn giữ, phát huy để lễ hội luôn sống động và lan tỏa giá trị văn hóa đến với cộng đồng dân cư vùng biển đảo và du khách thập phương”, ông nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, đã đề nghị thành phố Quy Nhơn chủ động phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết không gian thiêng của lễ hội. Đặc biệt là khu vực Lăng Ông Nam hải Vạn đầm Xương Lý, bến cá Xương Lý nói riêng, Vạn đầm Xương Lý nói chung bảo đảm tính kế thừa, bảo đảm tiêu chí về môi trường, cảnh quan.
Cùng với đó, cần thúc đẩy việc lan tỏa, phát huy giá trị lễ hội, kết nối với các tổ chức, công ty lữ hành du lịch để có kế hoạch phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của các đoàn khách trong nước và quốc tế, gắn kết với phát triển du lịch bền vững. Từ đó đề ra phương án, chương trình bảo vệ, phát huy giá trị, kêu gọi sự ủng hộ, kết nối với các địa phương, tổ chức kinh tế có gắn kết với giá trị di sản lễ hội. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý.
Ngày 10/12/2024, lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý đã được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó là Võ cổ truyền Bình Định; hát bội Bình Định; nghệ thuật bài chòi; lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn và nghề chằm nón ngựa Phú Gia.