- Thưa Giáo sư, dù Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều ưu đãi cùng hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy công nghệ sinh học phát triển, nhưng thực tế triển khai lại chưa đạt kỳ vọng. Vậy, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này là gì?
- Kể từ khi có Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, lĩnh vực công nghệ sinh học đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bước đầu hình thành nền công nghiệp sinh học đóng góp vào phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta vẫn gặp phải những trở ngại lớn.
Thứ nhất là vấn đề về nguồn nhân lực. Số lượng cán bộ nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật công nghệ sinh học còn quá ít, nhất là trong công nghệ gen. Khả năng tự đào tạo cán bộ có trình độ cao của chúng ta rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng.
Thứ hai, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất cao, tập trung và dài hạn cho đào tạo, thiết bị và kinh phí hoạt động. Chúng ta vừa thiếu kinh phí đầu tư, lại vừa chưa có kinh nghiệm và kế hoạch dài hạn.
Thứ ba là hạn chế về công nghệ. So các nước công nghiệp phát triển, các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, trình độ, năng lực nghiên cứu công nghệ sinh học của Việt Nam còn tồn tại khoảng cách lớn. Kết quả nghiên cứu được áp dụng trong sản xuất phần lớn thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học truyền thống và công nghệ thấp. Các nghiên cứu hiện đại mới chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm.
Thứ tư là hạn chế trong khâu tổ chức, triển khai. Chúng ta chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đa cơ quan để tập trung giải quyết các vấn đề lớn của từng lĩnh vực, do đó chưa tận dụng được tiềm lực sẵn có về công nghệ, cơ sở vật chất cũng như về nguồn nhân sự rải rác trong các cơ sở nghiên cứu.
Thứ năm là hạn chế về thương mại hoá các sản phẩm. Chúng ta chưa tạo ra cơ chế hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ sinh học. Việt Nam chưa có nhiều công nghệ cao, thích nghi với điều kiện sản xuất trong nước. Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho sức kéo của thị trường và sức đẩy của khoa học công nghệ đều yếu, dẫn đến sự đóng góp cho kinh tế-xã hội còn xa với tiềm năng.
Cuối cùng là hạn chế về chính sách và hệ thống pháp lý liên quan phát triển công nghệ sinh học. Hệ thống quản lý của chúng ta chưa theo kịp các bước phát triển, không những không đóng vai trò dẫn đường mà còn làm chậm quá trình này.
- Tại sao việc có một hệ thống quy chế phù hợp lại cần thiết, thậm chí quan trọng hơn cả đầu tư cho nghiên cứu, trong một số trường hợp, thưa ông?
- Tôi luôn nhấn mạnh rằng hệ thống quy chế, khung pháp lý để nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm từ công nghệ sinh học là vô cùng quan trọng và thậm chí cần phải đi trước một bước so với nghiên cứu và ứng dụng. Thực tế, công nghệ biến đổi gen (GMO) khai sinh từ năm 1996, nhưng phải mất tới gần hai thập kỷ - đến năm 2015, Việt Nam mới hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cần thiết. Chúng ta phải ghi nhận sự thúc đẩy mạnh mẽ của Nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Cao Đức Phát trong giai đoạn đó. Đến năm 2016, chúng ta mới có thể chính thức đưa cây trồng biến đổi gen vào ứng dụng tại Việt Nam.
Tại sao khung pháp lý quan trọng đến vậy? Thứ nhất, nó tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho người làm khoa học. Cán bộ nghiên cứu khi bắt tay vào làm sản phẩm phải biết hệ thống quy chế sẽ đòi hỏi những gì về mặt số liệu, phương pháp kiểm chứng, trình tự đánh giá an toàn... để họ có định hướng nghiên cứu phù hợp, cung cấp đầy đủ minh chứng và vững tâm làm việc.
Thứ hai, với năng lực nghiên cứu trong nước còn hạn chế, chúng ta chưa thể ngay lập tức tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ gen có giá trị ngang tầm quốc tế. Tuy nhiên, một khung pháp lý hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế lại cho phép chúng ta tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới một cách an toàn và hiệu quả.
Hiệu quả kinh tế xã hội từ việc có khung pháp lý để tiếp nhận công nghệ nước ngoài là rất lớn. Nhà kinh tế học Graham Brooker và TS Trần Xuân Định đã ước tính: 1 USD đầu tư cho ngô GMO mang về 6,84-12,55 USD. Riêng năm 2024, 270.000 ha ngô GMO mang lại 53-89 triệu USD. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2024, chúng ta đã trồng tổng cộng 1,316 triệu ha ngô GMO, giúp tăng thu nhập cho nông dân ước tính 257-435 triệu USD. Con số này là rất lớn, đặc biệt khi so sánh với 50 triệu USD đầu tư cho chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2016.
![]() |
Ngành nông nghiệp ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học nhằm giảm phụ thuộc hóa chất độc hại. |
- Với làn sóng công nghệ đang không ngừng phát triển, Việt Nam cần làm gì để đón đầu và bắt kịp xu hướng thế giới?
- Lấy trường hợp công nghệ chỉnh sửa gen (CSG) là thí dụ điển hình. Đây là thành tựu đầy hứa hẹn và mang tính cách mạng, với tiềm năng to lớn có thể tác động đến mọi lĩnh vực, như bảo vệ sức khỏe, nông-lâm-ngư nghiệp, chế biến, và bảo vệ môi trường. CSG có tính dễ tiếp cận hơn về mặt kỹ thuật thực hiện. Đặc biệt, các dạng CSG như SDN1 và SDN2 không đưa gen mới vào, không tạo ra protein mới, chỉ cắt gọt hoặc sửa chữa các lỗi trên ADN sẵn có. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ giúp công chúng dễ chấp nhận hơn, giảm bớt những lo ngại về an toàn.
Tuy nhiên, CSG vẫn là công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư đáng kể và đội ngũ chuyên gia giỏi được tổ chức bài bản. Khi nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm CSG, chúng ta phải rất thận trọng kiểm tra các bằng sáng chế đã đăng ký tại Việt Nam, và đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Việc sử dụng công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm vi phạm bản quyền có thể dẫn đến những rắc rối pháp lý và tài chính lớn. Hoặc khi thị trường xuất khẩu không chấp nhận sản phẩm CSG, điều này có thể ảnh hưởng tới các cây trồng chủ lực như lúa, cà-phê, hạt tiêu...
Quan trọng nhất, vẫn là sự “chậm chân” trong việc xây dựng khung pháp lý quản lý công nghệ và sản phẩm CSG. Trên thế giới và khu vực, nhiều nước đã có quy chế cho nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm chỉnh sửa gen. Nhiều nước đang tích cực thảo luận để xây dựng hệ thống quy chế theo hướng cởi mở hơn, trong khi đó Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước chưa thảo luận đến vấn đề này.
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra đầu năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu rằng công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp.
Sự quan tâm của vị lãnh đạo cao nhất đất nước đối với công nghệ này là sự thúc đẩy lớn nhằm sớm xây dựng hệ thống quy chế, tiếp cận công nghệ và phát triển sản phẩm. Công nghệ chỉnh sửa gen được cho là không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về an ninh lương thực, mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Thành công sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta có giải quyết được các bài toán mang tính hệ thống về pháp lý, tổ chức, đầu tư và bản quyền hay không. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý cần được bắt đầu ngay từ bây giờ, để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” này.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!