Từ những vết thương hở...
Với ngành y, chữa trị cho bệnh nhân bị bỏng luôn là một trong những thách thức rất lớn. Những năm gần đây, chúng ta đã tìm cách “vá” những vùng da tổn thương từ những miếng da ở vùng khác của cơ thể (ghép da tự thân). Thế nhưng, giải pháp này cũng không hiệu quả trong trường hợp người bệnh bị bỏng quá nhiều.
Theo Thầy thuốc Ưu tú Lê Tuyên Hồng Dương, da tự thân luôn hạn chế về nguồn cung, trong khi các loại da khác lại có nguy cơ thải ghép cao. Một số bác sĩ giàu kinh nghiệm đã thử nghiệm cách nghiền nát bánh nhau rồi đắp vào vết thương bỏng để hỗ trợ lành da. Điều nghe có vẻ lạ lùng này thực tế lại có hiệu quả khác biệt, bởi đây là những bộ phận cực kỳ giàu tế bào gốc trung mô và các yếu tố tăng trưởng - những “người thợ” tự nhiên của cơ thể chuyên trách việc sửa chữa và tái tạo. Đây là dạng ứng dụng thô sơ khi chúng ta chưa hiểu rõ về cơ chế khoa học của tế bào gốc.
Chính những kinh nghiệm và nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn đã thúc đẩy các nhà khoa học đi sâu hơn vào lĩnh vực y sinh học tái tạo. Từ nỗ lực “vá” đơn thuần, giờ đây mục tiêu đã chuyển thành “tái tạo” - làm cho mô bị tổn thương hồi phục chức năng như ban đầu. Sự ra đời của công nghệ tế bào gốc và kỹ thuật mô chính là bước ngoặt. Chúng ta giờ đây có thể chiết tách, nuôi cấy, và nhân lên số lượng lớn những tế bào “thợ” chuyên biệt, hoặc thậm chí các nhà khoa học đang nghiên cứu và đi tìm mã lệnh khiến các tế bào gốc phát triển thành các bộ phận hay nội tạng trong cơ thể người. Điều này không chỉ tăng hiệu quả điều trị từ bên trong, mà còn mở ra cánh cửa cho việc phục hồi các mô hay thay thế các cơ quan phức tạp khác của cơ thể người.
... đến những tiến bộ y sinh học tái tạo
Tại Việt Nam, câu chuyện về y sinh học tái tạo không còn là lý thuyết mà đã đi vào thực tiễn với những bước tiến đáng ghi nhận. Dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh viện và viện nghiên cứu đều nỗ lực làm chủ công nghệ mới này.
Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã triển khai ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh lý máu ác tính như bạch cầu cấp hay tan máu bẩm sinh. Bệnh viện Quân y 103 nổi tiếng với các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tổn thương tủy sống, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân bị liệt. Khoa Y học tái tạo & Trị liệu tế bào cùng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đang tập trung vào việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, tế bào miễn dịch để điều trị các bệnh nan y như bại não, tự kỷ, xơ gan. Các nghiên cứu về kỹ thuật mô, vật liệu sinh học cũng đang được tiến hành tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu như Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hay Khoa Kỹ thuật Y sinh - Trường đại học Quốc tế (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Giữa bức tranh ấy, Giáo sư Phan Toàn Thắng nổi lên như một dấu ấn đặc biệt của người Việt trên bản đồ y sinh học tái tạo thế giới. Từ thứ được xem như “rác y học” sau sinh, ông đã biến màng dây rốn thành một nguồn tế bào gốc dồi dào, trẻ và khỏe mạnh, phục vụ cho việc tái tạo da, sụn khớp, hay các mô mềm khác. Nghiên cứu của ông được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận và được bảo hộ bằng sáng chế tại hơn 80 quốc gia. Đây là công nghệ có những ứng dụng thực tiễn trong điều trị bỏng, vết thương khó lành, và đang mở rộng sang các lĩnh vực như chống lão hóa.
Đưa công nghệ đến gần người dân
Theo Thầy thuốc Ưu tú Lê Tuyên Hồng Dương, dù nhận thấy những lợi ích rõ rệt của việc nghiên cứu và phát triển tế bào gốc, cần hiểu đúng rằng đây không phải "thuốc tiên chữa bách bệnh". Người dân cần phải hiểu rõ tính chất của tế bào gốc. Tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau dựa trên hai cơ chế chủ yếu là khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng thay thế các tế bào bị tổn thương và khả năng điều biến miễn dịch.
Tế bào gốc hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, kích thích sửa chữa và sinh tế bào chức năng mới khi bị hủy hoại do tổn thương hoặc chết theo chu kỳ. Các yếu tố kích thích tăng trưởng của tế bào gốc luôn hỗ trợ chức năng sinh kháng thể, tăng cường miễn dịch thay thế tế bào già yếu bị bênh. Điều này giúp cơ thể tạo nên hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, sẵn sàng chiến đấu chống lại tác nhân gây bệnh hoặc những yếu tố bất thường.
Bên cạnh công tác tuyên truyền về nhận thức cho người dân, các nhà nghiên cứu y sinh học tái tạo đầu ngành ở Việt Nam cũng muốn phổ biến công nghệ này đến mọi người. Với dân số hơn 100 triệu người, nhu cầu điều trị bệnh mãn tính, thoái hóa và di chứng chấn thương rất cao.
Như nhận định của TS Trần Anh Tuấn, Chuyên gia chiến lược sản phẩm, Đại diện Cellinstem Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất đối với các start-up và đơn vị nghiên cứu trong nước là khả năng biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại thật sự đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng ta phải đóng gói các đề tài nghiên cứu thành sản phẩm phục vụ được chính xác nhu cầu, không thừa, không thiếu, lấy việc am hiểu địa phương và tính cách người tiêu dùng làm lợi thế so với sản phẩm ngoại nhập.
Để giải quyết bài toán này, ông Tuấn gợi ý hai hướng đi chiến lược. Thứ nhất, các start-up cần làm tốt công tác phát triển sản phẩm dựa trên sự am hiểu sâu sắc thị trường, khách hàng và tận dụng lợi thế địa phương. Thứ hai, doanh nghiệp cũng có thể chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” - tìm kiếm và hợp tác với các đối tác quốc tế từ các nền khoa học công nghệ sinh học phát triển mạnh (như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore).
Y sinh học tái tạo không chỉ hứa hẹn chữa lành những tổn thương thể chất cho người bệnh, mà còn là một cơ hội để Việt Nam nâng tầm vị thế khoa học và y tế của mình. Với sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng, khát vọng đưa những phép màu của y sinh học tái tạo đến gần hơn với mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.