Từ hình ảnh chú rồng ngộ nghĩnh ven cầu Long Biên
Một con rồng bằng gỗ, sơn hai mầu đỏ, vàng, nổi bật ở giữa khu vực sân chơi nhỏ ngay sát cầu Long Biên phía nội đô, đem đến một cảm giác thật thú vị cho nhiều người đi ngang qua đây, kể từ cuối năm 2023. Thân rồng được thiết kế chia khúc mô phỏng sự uốn lượn, làm thành các phần chơi cho trẻ nhỏ, như cầu đi bộ, khu chơi trò đuổi bắt, nghịch cát. Chung quanh chú rồng là các chỗ chơi xích đu, bóng rổ, vườn hoa nhỏ, ghế ngồi nghỉ…
Hầu hết vật liệu để tạo nên sân chơi đều thân thiện với môi trường hoặc được làm từ đồ tái chế. Sân chơi này thuộc địa phận phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, là kết quả của sự hợp tác giữa chính quyền, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds. Sân chơi giờ đây không chỉ là một khu vực của riêng cư dân địa phương mà còn là điểm giới thiệu về Hà Nội tới du khách trong các tour đi bộ tham quan cầu Long Biên. Vẻ đẹp dung dị, giàu tính sáng tạo của nó còn đem tới một so sánh ý vị về hai con rồng lớn, nhỏ của hôm qua, hôm nay, cùng đậu ở một nơi chốn.
Trước đó, từ năm 2021, Think Playgrounds đã kết hợp chính quyền phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm và người dân sống ven sông Hồng cùng cải tạo khu vực vừa um tùm cây cối, vừa là nơi đổ rác thải tự phát thành một công viên rừng. Để làm được điều này, như chia sẻ của kiến trúc sư Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập doanh nghiệp, nhóm của các anh đã áp dụng một “thiết kế cộng đồng” phù hợp thực tế địa bàn, để người dân cùng chung tay xây dựng và luôn có ý thức sử dụng, giữ gìn công viên hiện có. Vậy là từ một cụ già hơn 80 tuổi đến em bé 5-6 tuổi cũng đã biết cách trồng cây, dọn cỏ, chăm sóc chim muông, để khu rừng được sống cùng người, hằng ngày.
Trên đây chỉ là hai trong số khoảng 270 sân chơi cộng đồng mà Think Playgrounds thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước trong vòng hơn 10 năm qua. Doanh nghiệp này chính thức thành lập năm 2017, nhưng nhóm sáng lập đã hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2014. Họ thiết kế, xây dựng các sân chơi thương mại (được trả phí) cho trường học, bệnh viện, khu đô thị mới và cam kết dành 50% lợi nhuận để phục vụ trở lại cho cộng đồng. Thông điệp về sống xanh, bảo vệ môi trường đã được lồng ghép một cách sáng tạo vào mô hình sân chơi cộng đồng này.
Thêm vào đó, các yếu tố thẩm mỹ trong thiết kế đem lại sự hấp dẫn, khuyến khích sự sáng tạo trong việc chơi. Sự hữu ích của sản phẩm đối với cộng đồng đã thuyết phục được chính quyền địa phương và cuốn hút cộng đồng cư dân cùng tham gia xây dựng sản phẩm, duy trì sức sống của sản phẩm, đem tới một nét văn hóa cộng đồng lành mạnh.
Đến vật liệu tái chế trên sân khấu Nhà hát Lớn
Mới đây, có lẽ là lần đầu, trên sân khấu trong khán phòng sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, xuất hiện nhiều đến vậy các vật liệu tái chế. Chúng được sử dụng để làm đạo cụ sân khấu, từ cái tháp biểu diễn bằng thép, cao hơn 5 mét, đến quả cầu được tạo hình từ hàng nghìn túi nhựa đầy mầu sắc, chiếc áo đi mưa dùng một lần, túi ni-lon lớn nhỏ, giấy vụn, chiếc ghế tựa từ vỏ máy công cụ, ghế đẩu từ mô-tơ hỏng, cũ… Tất cả được thiết kế hài hòa, giàu tính thẩm mỹ trong một chương trình nhạc-vũ-kịch và nghệ thuật thị giác mang tên Hoa và rác (tên tiếng Anh: Rejoice and Refuse), bao gồm nhiều ca khúc ngợi ca quê hương thanh bình, tươi xanh của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn…
Trong hơn hai tiếng đồng hồ, khán giả cùng trải nghiệm một vẻ đẹp khác của rác, của đồ thải loại khi chúng như được biến hóa thành vật hữu dụng mới trên sân khấu, hòa quyện với các giai điệu và ca từ tiếng Việt đẹp đẽ. Cùng với đó, thông qua phần lời dẫn kết nối các ca khúc, tiểu phẩm ngắn, video chiếu xen kẽ, khán giả chứng kiến, kiểm nghiệm lại tác hại của rác từ sự vô ý của con người đối với môi trường, với sự sống chung quanh mình. Nghịch lý này chỉ được hóa giải bởi chính con người mà thôi. Điểm độc đáo của chương trình là thông điệp xã hội được gửi gắm thông qua một hình thức nghệ thuật biểu diễn có lồng ghép nhiều loại hình khác nhau, mang hơi hướng hàn lâm.
![]() |
Hình ảnh từ chương trình nghệ thuật Hoa và rác. Ảnh: BTC |
Theo chia sẻ từ ông Ngô Việt, chủ nhân của ý tưởng chương trình, Hoa và rác có nhiều phần song ngữ Việt-Anh vì ông và nhóm nghệ sĩ Feelings Art House mong muốn chương trình sẽ vượt biên giới Việt Nam để đến với khán giả nhiều nơi trên thế giới, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ hành tinh xanh của mọi người. Bởi, như lời phát biểu mở đầu chương trình của ông Nguyễn Trung Trực, đại diện Quỹ Trịnh Công Sơn: “Ô nhiễm môi trường là vấn đề không của riêng ai, riêng đất nước nào mà là chung của trái đất này”.
Sau hai năm tập luyện, nhóm Feelings Art House đã có chuỗi công diễn chương trình từ năm 2024, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đến Huế, Hà Nội. Thật thú vị khi biết rằng, ông Ngô Việt là chủ của một công ty xử lý rác thải và sản xuất đồ tái chế lớn, hoạt động từ nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình không bán vé, không nhận tài trợ từ các doanh nghiệp khác ngoài doanh nghiệp của chính ông cùng sự đồng hành của Quỹ Trịnh Công Sơn.
Ý nghĩa xã hội của cái sân chơi nhỏ có chú rồng ngộ nghĩnh ở bên cầu Long Biên hay giấc mơ đưa câu chuyện nghệ thuật với/về rác thải, vật liệu tái chế đi xa hơn bên ngoài biên giới Việt Nam là chỉ dấu cho thấy sự sáng tạo trong lan tỏa các thông điệp về trách nhiệm xã hội đến cộng đồng. Ở đó, không chỉ có những kết quả cụ thể đong đếm được bằng con số mà còn là những chuyển biến về chất trong nhận thức và hành động chứa đựng cảm xúc thẩm mỹ của con người dành cho nơi chốn của chính mình, để cùng chung tay làm đẹp nơi chốn ấy.
![]() |
Hình ảnh từ chương trình nghệ thuật Hoa và rác. Ảnh BTC |