“Ma trận” thực phẩm chức năng trên mạng

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và mạng xã hội mang đến nhiều tiện ích trong mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cùng với đó là sự xuất hiện của “ma trận” thực phẩm chức năng với những lời quảng cáo thổi phồng công dụng, được tiếp tay bởi người nổi tiếng, KOL, thậm chí cả những người mạo danh chuyên gia y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Tìm hiểu các loại thực phẩm chức năng được bán trên thị trường. Ảnh: NAM HẢI
Tìm hiểu các loại thực phẩm chức năng được bán trên thị trường. Ảnh: NAM HẢI

Bác sĩ ảo và “rừng” sản phẩm không rõ chất lượng

Chỉ cần lướt qua các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube hay các sàn TMĐT như Shopee, Lazada… người dùng dễ dàng bắt gặp những đoạn video, bài viết quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) với lời lẽ hoa mỹ: “chữa khỏi tiểu đường chỉ trong 7 ngày”, “tăng cường trí nhớ cho người già”, “sữa tăng cân thần tốc không cần tập luyện”, “thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ”... Đáng chú ý, nhiều quảng cáo còn gắn mác “được bác sĩ khuyên dùng” hoặc sử dụng hình ảnh người mặc áo blouse trắng giới thiệu là chuyên gia y tế để tăng độ tin cậy.

Chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, Hà Nội), một người từng mua TPCN qua TikTok, chia sẻ: “Tôi thấy một tài khoản tự xưng là bác sĩ, quay video trong phòng khám rất chuyên nghiệp, giới thiệu viên uống giảm cân an toàn. Tin tưởng, tôi đặt mua với giá gần 2 triệu đồng. Nhưng uống được một tuần thì bị đau bụng, mất ngủ. Khi liên hệ lại, tài khoản đó đã khóa bình luận và không trả lời tin nhắn”.

Trường hợp của chị Lan không phải cá biệt. Nhiều sản phẩm không có giấy phép lưu hành, không được kiểm định chất lượng, thậm chí chứa thành phần không đúng như công bố. Đơn cử như vụ việc gây chấn động dư luận xã hội vừa qua, đó là đường dây với gần 600 sản phẩm sữa giả mạo thu lợi bất chính hơn 500 tỷ đồng. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý khi hàng loạt sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm trở lại đây, thậm chí được bác sĩ tại các bệnh viện lớn tư vấn cho người dân sử dụng.

Trong khi đó, các sàn TMĐT vốn được kỳ vọng là kênh tiêu dùng tin cậy cũng đang tồn tại không ít gian hàng rao bán sản phẩm chưa hề qua kiểm nghiệm, hoặc dùng giấy tờ mập mờ để “lách” cơ chế hậu kiểm. Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Cơ chế tự công bố sản phẩm đang bộc lộ nhiều bất cập. Doanh nghiệp tự lấy mẫu, tự công bố chất lượng mà không có sự giám sát chặt chẽ từ bên thứ ba. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, vì người tiêu dùng đang bị đặt vào tình thế “tin tưởng mù quáng”. Nếu tiếp tục duy trì cơ chế hậu kiểm này, người tiêu dùng sẽ luôn là đối tượng phải chịu thiệt, đặc biệt với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như TPCN.

Cần thay đổi mạnh trong quản lý

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tin vào “đánh giá của người nổi tiếng”, việc các KOL (người có ảnh hưởng), diễn viên, người mẫu... tham gia quảng cáo TPCN đang trở thành vấn đề nhức nhối. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện tiếp tay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng với những lời cam kết phi thực tế mà không cần kiểm chứng chất lượng. Cần một hàng rào pháp lý đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những lời nói có cánh nhưng rỗng nội dung.

Đã đến lúc câu hỏi “Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố?” không thể chỉ dừng lại ở cơ sở sản xuất. Trong một thị trường tiêu dùng hiện đại, minh bạch, mỗi cá nhân xuất hiện trong các clip quảng cáo đều cần được soi chiếu dưới ánh sáng của pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng: “Cần làm rõ vai trò của từng cá nhân, từ người sản xuất, đơn vị bao tiêu sản phẩm đến những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tiếp tay quảng bá sản phẩm giả. Với hành vi có tổ chức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, các chế tài phải nghiêm minh, không có vùng cấm”. Luật sư phân tích thêm: “Theo khoản 11, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng, thành phần sản phẩm đều bị nghiêm cấm. Nếu cá nhân đó biết rõ sản phẩm không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn nhận quảng cáo vì thù lao, có thể bị xem xét là đồng phạm với tội “quảng cáo gian dối” hoặc “lừa dối khách hàng” theo Bộ luật Hình sự”.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự thay đổi căn bản trong chính sách quản lý. Để xây dựng một thị trường minh bạch, an toàn, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng. Ông Vũ Văn Trung đề xuất: “Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quy trình giám sát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cần có quy trình tiền kiểm rõ ràng, thay vì chỉ dựa vào hậu kiểm và tự công bố. Ngoài ra, người tiêu dùng cần chủ động tra cứu nguồn gốc sản phẩm, ưu tiên hàng hóa có kiểm định rõ ràng. Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ người dân tiến hành khiếu nại hoặc khởi kiện nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm.

Bác sĩ Trần Quang Tiến Long (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho rằng, “sữa giả, TPCN kém chất lượng không khác gì một hành động giết người, gây nguy hại rất lớn cho xã hội. Đối với những đối tượng yếu thế, việc sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn không chỉ làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng mà còn có thể dẫn đến hậu quả không thể khắc phục”.