Đã có rất nhiều vụ việc đáng tiếc gây xôn xao dư luận, và để lại những hậu quả không thể sửa chữa, đối với các di sản văn hóa, nghệ thuật đã được lưu giữ tại các bảo tàng, có nguyên nhân từ sự non yếu trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tại các cơ sở văn hóa đó. Cũng đã có nhiều trao đổi, tranh luận liên quan đến tính chính xác của những hồ sơ di sản (cả vật thể và phi vật thể) được thực hiện bởi những cán bộ của một số bảo tàng trong cả nước… chưa kể còn nhiều những sai sót, hệ quả đáng tiếc khác mà do sự non yếu về nhận thức, hoặc không được chú ý cho cập nhật về kiến thức văn hóa mới, đã khiến cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp, lại là “điểm trừ” bởi chính những người làm công tác bảo tàng tạo nên.
Bởi vậy, Dự thảo Thông tư “Quy định chi tiết về nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàng; gửi, lưu giữ hiện vật, tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu...”, đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã nhận được sự chú ý và đồng tình của nhiều người làm văn hóa. Trong đó, nội dung quy định về chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (cụ thể hóa quy định trong Luật Di sản văn hóa) sẽ tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nói chung, bảo tàng nói riêng được chú trọng đúng tầm mức.