Bước chuyển mạnh mẽ, tất yếu

Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất – một cột mốc thiêng liêng không chỉ với lịch sử chính trị, quân sự, mà còn là thời điểm để nhìn lại và suy ngẫm sâu sắc hơn về hành trình phát triển toàn diện của dân tộc, trong đó có một lĩnh vực âm thầm nhưng giữ vai trò cốt lõi: Văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ giúp giới trẻ ngày nay có thể tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử theo nhiều cách đa dạng và hoàn toàn chủ động. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Công nghệ giúp giới trẻ ngày nay có thể tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử theo nhiều cách đa dạng và hoàn toàn chủ động. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Trong suốt 50 năm qua, văn hóa đã không ngừng chuyển mình mạnh mẽ, thích ứng với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Và đến hôm nay, giữa làn sóng công nghệ số bùng nổ toàn cầu, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một bước tiến tất yếu- thể hiện tầm nhìn, nội lực và bản lĩnh của một dân tộc đã thống nhất, đang hội nhập, và khẳng định bản sắc trong thời đại số.

Chuyển đổi số văn hóa không đơn thuần là đưa thông tin lên mạng, số hóa tư liệu hay ứng dụng công nghệ trong trưng bày. Đó là một cuộc cách mạng về cách tiếp cận, cách bảo tồn và cách lan tỏa các giá trị văn hóa – để những di sản quý giá không chỉ được lưu giữ an toàn, mà còn được sống lại một cách sinh động trong đời sống hiện đại. Đó là hành trình đưa quá khứ tiến vào tương lai bằng ngôn ngữ công nghệ, để văn hóa không bị lãng quên, không nằm yên trong tủ kính, mà đồng hành cùng mỗi người dân.

Từ bảo tàng truyền thống đến không gian văn hóa số

Nếu như những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, các bảo tàng, thư viện và trung tâm văn hóa được xây dựng như những “kho lưu trữ ký ức” của dân tộc, thì hôm nay- sau 50 năm- những thiết chế ấy đang được khoác lên mình một hình hài mới: số hóa, tương tác, kết nối và lan tỏa. Từ chỗ là không gian tĩnh, bảo tàng nay đã trở thành cầu nối sinh động giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và công nghệ, giữa ký ức dân tộc và hành trình hội nhập.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh- nơi luôn được xem là "phòng thí nghiệm" cho những mô hình đổi mới trong lĩnh vực văn hóa- quá trình chuyển đổi từ bảo tàng truyền thống sang không gian văn hóa số đang diễn ra sôi động và hiệu quả. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hay Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và hệ thống dữ liệu mở để thay đổi trải nghiệm tham quan. Những hiện vật tưởng như chỉ còn nằm im sau kính trưng bày nay đã được "đánh thức" bằng công nghệ, bằng âm thanh, hình ảnh động, ánh sáng và giọng kể.

Tại Hà Nội- thủ đô ngàn năm văn hiến- bước chuyển này cũng đang diễn ra một cách mạnh mẽ và đầy sáng tạo. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, hay mới đây là Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã đồng loạt triển khai nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến để "kéo gần" di sản với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Các thư viện công cộng tại Hà Nội cũng đang đổi mới mạnh mẽ. Thư viện Quốc gia là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng cổng thông tin thư viện số, cho phép người đọc trong và ngoài nước truy cập hàng triệu trang tài liệu, sách báo, bản thảo quý. Những kho sách Hán- Nôm, sách Pháp ngữ, báo chí Đông Dương… từng chỉ hiện diện trong phòng đọc giờ đã được mở ra trước toàn thế giới. Bằng việc số hóa này, những gì từng thuộc về quá khứ đang trở thành tài nguyên cho hiện tại và nguồn cảm hứng cho sáng tạo tương lai.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, từ bảo tàng địa phương đến di tích quốc gia, từ thư viện truyền thống đến nền tảng văn hóa số- tất cả đang cùng chung một nhịp chuyển: chuyển từ lưu giữ sang chia sẻ, từ trưng bày sang đối thoại, từ tĩnh sang động, từ “được bảo tồn” sang “được sống lại”.

Sự phát triển của không gian văn hóa số không chỉ mang lại tiện ích công nghệ hay hiệu quả quản lý, mà còn thắp lên một điều cốt lõi: niềm tự hào và sự kết nối giữa con người hôm nay với di sản của ngày hôm qua. Khi một đứa trẻ ở miền núi có thể khám phá Hoàng thành Thăng Long bằng kính VR; khi một bạn trẻ ở Củ Chi có thể tham quan Nhà tù Hỏa Lò qua mô hình số; khi hàng triệu người Việt ở nước ngoài có thể "trở về" quê hương qua những bảo tàng ảo- đó chính là lúc chúng ta thấy được sức mạnh thật sự của văn hóa số: kết nối quá khứ với hiện tại, và làm cho di sản sống mãi trong tương lai.

Được dẫn dắt bằng sáng tạo và công nghệ

Trong dòng chảy không ngừng của kỷ nguyên số, công nghệ không còn đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà đang thật sự trở thành một phần cấu trúc sống của các thiết chế văn hóa. Nhưng công nghệ, nếu chỉ dừng lại ở việc “số hóa thông tin”, sẽ là chưa đủ. Điều làm nên khác biệt ở thời đại này chính là sự kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo- nơi di sản được nhìn nhận không phải như những gì bất biến, mà như nguồn cảm hứng khơi dậy những cách tiếp cận mới, cách kể chuyện mới và cả cách giáo dục mới.

Hãy hình dung: một bức tranh dân gian Đông Hồ không chỉ được phục dựng bằng ảnh quét độ phân giải cao, mà còn “cử động” được nhờ trí tuệ nhân tạo; một bài chầu văn cổ không chỉ được lưu giữ dưới dạng file âm thanh, mà được remix thành bản nhạc điện tử để người trẻ nhún nhảy trong các lễ hội đường phố; một ngôi đình cổ không chỉ được đo đạc bằng flycam, mà còn được dựng thành thế giới ảo để học sinh "bước vào" qua thiết bị VR, tự khám phá kiến trúc, lễ nghi, lịch sử và truyền thống.

Tất cả những điều đó không còn là tưởng tượng. Chúng đang diễn ra, từng ngày, tại nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm sáng tạo lớn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm khởi nghiệp “Vietnam Time Travel” đã phát triển ứng dụng cho phép người dùng “du hành thời gian” bằng điện thoại, khám phá Sài Gòn qua các giai đoạn lịch sử. Một học sinh trung học có thể đứng ở vòng xoay Lê Lợi- Nguyễn Huệ hôm nay, đeo kính thực tế ảo và thấy mình đang giữa dòng người tiến về Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Đó không chỉ là công nghệ- đó là cảm xúc, là lịch sử sống lại trong tâm trí người trẻ.

Điểm đặc biệt của sáng tạo văn hóa trong thời đại công nghệ là tính đa ngành và mở. Các bảo tàng không còn hoạt động đơn độc, mà liên kết với trường đại học, viện nghiên cứu, nhà thiết kế, lập trình viên, thậm chí với cộng đồng người dân bản địa – để cùng tạo ra những sản phẩm không chỉ bảo tồn giá trị mà còn thúc đẩy du lịch, giáo dục và kinh tế sáng tạo. Một bộ dữ liệu số về kiến trúc cổ có thể dùng để làm phim, viết truyện tranh, phát triển trò chơi điện tử, thiết kế nội thất, xây dựng app du lịch thông minh... Văn hóa trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng sáng tạo liên ngành, và cũng chính là chất liệu đặc biệt nhất để Việt Nam khẳng định bản sắc trong hội nhập.

Điều đáng nói là các dự án này không đòi hỏi nguồn lực khổng lồ, mà được xây dựng từ chính tinh thần mỗi người dân là một nghệ sĩ, mỗi ngôi làng là một kho báu văn hóa”, miễn là chúng ta có cách kể chuyện đúng- bằng thứ ngôn ngữ của thời đại.

Văn hóa số không làm mất đi bản sắc. Ngược lại, khi được dẫn dắt bằng sáng tạo và công nghệ, nó sẽ trở thành “tấm gương phản chiếu bản sắc”- vừa giữ nguyên cốt lõi bản sắc dân tộc, vừa mở rộng biên giới tiếp nhận. Đó chính là con đường để Việt Nam, sau 50 năm thống nhất, tiếp tục viết nên một chương mới trong hành trình gìn giữ, phát huy di sản và đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển thật sự.