Phó Thống đốc tỉnh Kaluga (Nga) Vladimir Potemkin dường như không mất nhiều thời gian để có cho mình câu trả lời “không thể” ở trên. Rồi chính người đàn ông gần 80 tuổi đó, tưởng đã hiểu rõ và không còn chút phân vân về sự chăm chỉ của người Việt, vẫn thừa nhận: Suốt cuộc đời này, thái độ của người Việt Nam với công việc đôi khi vẫn làm ông ngạc nhiên, thậm chí là bối rối. Vậy nên, mỗi lần đến Việt Nam là một lần ông có thêm những trải nghiệm mới.
Việt Nam, trong ký ức thời thơ ấu của ông, vừa gần vừa xa. Như bạn bè cùng trang lứa, ký ức của ông về “dải đất hình chữ S” gắn liền cuộc đấu tranh giành độc lập và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Tại Liên Xô (trước đây), học sinh, đoàn viên, sinh viên đã chung tay thu gom đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng, giấy, bút… để gửi ủng hộ Việt Nam. Sinh năm 1947, ông cùng thế hệ mình chân thành suy nghĩ: Mọi thứ, dù nhỏ nhất, đều có thể giúp ích cho Việt Nam.
Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa, song những mất mát dường như còn lẩn khuất đâu đó. Tận bây giờ, gần 80 tuổi, ông V. Potemkin vẫn không quên cái ngày xảy ra thảm kịch ở Sơn Mỹ, Việt Nam, năm 1968. Ông kể: “Tất cả chúng tôi đã rất lo lắng. Những hành động tàn bạo mà người dân Việt Nam phải chịu đựng đã khứa tận vào tim. Ký ức, câu chuyện bi thảm đó sẽ theo tôi suốt quãng đời còn lại”.
Rời ghế nhà trường, ông V. Potemkin công tác trong ngành xây dựng nhà máy thủy điện. Và, ông đã tham gia quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình ở Việt Nam, đón tiếp những chuyên gia Việt Nam sang Liên Xô công tác. Ông cùng họ chuẩn bị nhiều kế hoạch công việc, gửi thiết bị về Việt Nam. Ông cùng họ trải qua những cảm giác đau đớn trước mất mát về con người: dòng máu đỏ của không ít chuyên gia Liên Xô đã hòa với dòng máu của những người thợ Việt Nam, trong quá trình thi công công trình thủy điện Hòa Bình - biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt-Xô.
Gắn bó với Việt Nam là thế, song trong thời gian làm việc ở Liên Xô, ông V. Potemkin chưa có cơ hội đến thăm Việt Nam. Nhưng, tâm hồn và trái tim ông luôn có sự kết nối với người dân Việt. Để đến một ngày, niềm mong mỏi đó thành hiện thực.
Năm 2015, ông lần đầu đến Việt Nam. Bao quanh ông là sự nồng ấm mà người dân Việt Nam dành cho người Nga và đất nước Nga. Quá khứ và hiện tại hòa quyện thành những cảm xúc khó tả. Mọi ấn tượng của ông khi đến Việt Nam đều trùng khớp những suy nghĩ thời thanh xuân về đất nước này. Lần đầu đến Việt Nam, ông cảm giác như mình đã từng có mặt, biết và hiểu rõ bầu không khí nơi đây.
Chuyến thăm đầu tiên ấy đã mở đường cho ông trở lại Việt Nam thêm nhiều lần sau, điều ông ít khi nghĩ tới. Tham gia triển khai dự án xây dựng quy mô lớn của Tập đoàn TH tại Nga, ông có cơ hội thường xuyên sang thăm Việt Nam. Đoàn đại biểu tỉnh Kaluga cũng có chuyến tới thăm trang trại TH, cách khá xa Thủ đô Hà Nội. Quãng đường đi có phần khó khăn, nhưng ở bất cứ nơi dừng nghỉ nào, đoàn đều đón nhận tình cảm tuyệt vời của người dân địa phương. Họ rất vui khi biết người Nga đến. Đoàn cũng ngạc nhiên trước sự thân thiện và cởi mở của những con người Việt Nam bình dị.
Năm 2018, trong chuyến thăm chính thức tới Nga, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm tỉnh Kaluga, đặt viên đá kỷ niệm và trồng cây lưu niệm. Ngày nay, tảng đá này vẫn đứng đó, cùng cây được chăm sóc cẩn thận, trở thành một địa điểm mang tính lịch sử, thúc đẩy sự nỗ lực vì những điều tốt đẹp cho quan hệ hai nước.