1 Thế hệ chúng tôi, khi trong khói lửa chiến tranh, khi “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”, cha mẹ không đủ sức quan tâm nhiều đến con cái, nhất là những thủ tục hành chính ấy. Chỉ nhớ mang máng. Phần lớn, đi học mới khai sinh. Mà có khi người khác “khai” cho, miễn là để được học, chẳng phải là ngày sinh thật. Tôi đồ rằng quá nửa đúng tên mà không đúng tuổi. Mà dẫu có là ngày sinh thật thì vẫn là chuyện cá nhân, không muốn mọi người nhắc đến, nhớ đến vì e ngại. Đó là tâm lý, ứng xử của thời đặt lợi ích chung lên trên hết.
Ngày đáng nhớ nhất của tôi là ngày 30/4/1975.
Tôi không sao dùng chữ nghĩa để diễn tả lại được cảm xúc về ngày ấy. Ngày ấy cả nước hân hoan vui mừng. Nhưng hân hoan vui mừng khác hơn là chúng tôi, những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp thấy sự tháo chạy, đầu hàng, thất bại và sụp đổ của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, một chính quyền và quân đội do đế quốc xâm lược dựng nên. Sau niềm vui trào nước mắt, niềm vui hét vang trời; thậm chí có cậu còn kéo cả băng đạn dài làm pháo mừng chiến thắng, thì niềm vui lớn nhất, khát vọng lớn hơn tất cả mọi điều là: “Được về với mẹ rồi, được về quê rồi”!
Chỉ thế và không cần gì nữa. Một số sắm được con búp bê nhựa cho con, cho cháu; cái áo len cho mẹ. Tất cả chỉ trong ba lô, trên ba-lô. Nhưng không phải ai cũng được về. Nhiều người lính còn phải đi tiếp trong hai cuộc chiến tranh biên giới và đã không được trở về sau ngày 30/4.
Đây là nhật ký cuộc đời tôi trong những ngày tháng ấy:
Quê tôi ở Ngã ba Đồng Lộc, mẹ đặt lưỡi cày chênh chếch miệng hố bom, đèn dầu hỏa xuống hầm vào lớp học, nghe tin những trận càn lòng đất cháy bùng lên…
Thầy nhập ngũ. Rồi chúng tôi nhập ngũ. Nét đỏ cuối trời, nét tím quê hương.
Không thể kể những cánh rừng sốt rét, vệt B.52 rê giữa đội hình. Với Trường Sơn, cả nước thành thân thuộc, mũ tai bèo hơn một tấm chứng minh, soi ánh mắt gặp mặt đường khát vọng, võng mắc vào nỗi nhớ giao liên…
Tiến về Sài Gòn..., bài hát ấy, dấu chân-nốt nhạc, điệp trùng rung theo hướng đô thành, nơi mắt đỏ mẹ già ngóng đợi, tuổi trẻ chúng tôi như đạn xếp lên nòng, hình Tổ quốc khẩu AK trước ngực.
Từ Quảng Trị cổ thành lửa cháy, qua Phu Văn Lâu cờ đỏ bạn bè vơi. Qua Đà Nẵng, Phan Rang đến một chiều Xuân Lộc, hỏa điểm cuối cùng còn ngã các anh tôi…
2 Mỗi 30/4 là mỗi dịp tôi nhớ về đồng đội, mỗi dịp hiểu vì sao dân tộc có thể làm nên chiến thắng kỳ diệu ấy. Cả nước đã trường chinh suốt 20 năm, cộng cả chín năm chống thực dân Pháp xâm lược để có một bản hùng văn đi vào lịch sử: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”.
Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên trong dư âm của thơ thần thời Lý, trong lời hô Sát Thát vọng về từ cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của người anh hùng Nguyễn Huệ với áo bào sạm khói tiến vào giải phóng Thăng Long Xuân Kỷ Dậu 1789. Được chuẩn bị kỹ càng trong nhiều năm tháng như vậy, cùng với tấm gương của những lớp người cộng sản tiền bối, nên mỗi người lớn lên đã là một chiến sĩ sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Một đội quân, một dân tộc với tất cả những con người mang tinh thần ấy, không thể có kẻ thù nào mà chúng ta không đánh thắng. Ngày ấy, cả nước cùng một hướng, cả nước chỉ có một quyết tâm: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sự tập trung sức mạnh ấy làm cho dân tộc ta có sức mạnh sóng triều để cuốn phăng mọi trở lực, nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước.
3 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Bác Hồ nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu… Để tranh lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan. Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”.
Ở phương diện cá nhân, tôi cũng như nhiều anh em đồng đội khác đã không biết hoặc không nhớ tới lời nhắc nhở ấy, không chuẩn bị tốt hành trang để bước sang giai đoạn mới. Bởi vậy, trong suốt hơn một thập kỷ, từ 1975 – 1990, khi đất nước bị bao vây, cấm vận, rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, người lính trở về giống như kẻ tự giải giáp, sống thụ động, không chỉ chịu kham khổ mà còn xao xác niềm tin khi thấy xã hội vận động theo nhiều hướng khác nhau, theo đuổi các lợi ích khác nhau. Những lúc ấy, càng nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống, đang chịu những thương tật và di họa nặng nề. Họ là những người con ưu tú nhất của dân tộc. Họ đã hy sinh đến cả xương thịt mình cho đất nước. Họ sẽ không bao giờ ân hận vì điều đó.
Ngày hôm nay, đất nước thật sự đã chuyển mình. Chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ, vị thế như hôm nay. Và đã thỏa cho vong linh các anh hùng liệt sĩ. Tôi tin rằng, dân tộc ta sẽ còn làm nên những Điện Biên Phủ oai hùng, những Đại thắng mùa Xuân vang dội hơn nữa. Chắc chắn, dân tộc ta sẽ bước tới đài vinh quang khi sánh vai với các cường quốc năm châu, thỏa lòng mong mỏi của Bác Hồ vĩ đại.