Khát khao nền hòa bình thật sự
Khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đế quốc Mỹ đã phải đương đầu với cả một dân tộc kiên cường và bất khuất, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, có bản lĩnh và trí tuệ, rất khát vọng hòa bình nhưng phải là nền hòa bình thật sự trong độc lập, tự do; một dân tộc quả cảm được tổ chức tốt và vũ trang toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chính vì điều này mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã có lý khi cho rằng, cả người Pháp và người Mỹ đều thua vì chưa hiểu hết sức mạnh tiềm ẩn trong tầng sâu văn hóa, chưa đánh giá hết sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã chiến thắng bằng bản lĩnh và trí tuệ, bằng sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bằng sự kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống trong văn hóa giữ nước được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Để giành được chiến thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử với Đế quốc Mỹ xâm lược, cả dân tộc Việt Nam đã cố kết thành một khối thống nhất vững bền, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành mạch nguồn ngấm sâu vào ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của toàn dân; vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của chế độ mới; vào tinh thần độc lập tự chủ; vào sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân; vào cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, biết thắng địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, đi đến thắng lợi cuối cùng, thu giang sơn về một mối.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học lịch sử được đúc kết từ cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khốc liệt, thử thách và rất đỗi hào hùng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trong đó, bài học về phát huy tinh thần độc lập tự chủ mang nhiều ý nghĩa thời sự.
Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế khá phức tạp, phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng sâu sắc, đặc biệt là mâu thuẫn Xô-Trung - hai trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là đồng minh lớn của Việt Nam ngày càng sâu sắc. Cùng với đó, sự chi phối của trục quan hệ Mỹ-Xô-Trung đối với cuộc chiến tranh Việt Nam cũng ngày càng phát triển. Liên Xô và Trung Quốc đều hết lòng giúp đỡ Việt Nam nhưng cả hai nước đều có những toan tính lợi ích dân tộc. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù; vun đắp mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ mạnh mẽ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.
Mẫu số chung của tinh thần độc lập, tự chủ
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến (1954-1965), Đảng ta chủ trương phát huy đường lối độc lập tự chủ, một mặt đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền nam; mặt khác mở đợt đấu tranh lớn tố cáo, lên án hành động chiến tranh của Đế quốc Mỹ... Nhờ đó mà bắt đầu từ năm 1963, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa đều đã đồng tình ủng hộ nhân dân Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền nam.
Trong những năm 1965-1968, việc Đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, mở rộng chiến tranh ra đánh phá miền bắc nước ta, gây đe dọa trực tiếp nền an ninh các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc; đe dọa nền hòa bình thế giới... Hành động này đã đưa đến sự ủng quốc tế mạnh mẽ đối với cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này mâu thuẫn Xô-Trung phát triển gay gắt phần nào đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự cố kết và ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam của các nước xã hội chủ nghĩa. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ mâu thuẫn đó, Việt Nam nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt trong quan hệ giữa các nước lớn với Việt Nam; đặc biệt là xác định rõ những toan tính cũng như lợi ích của các nước đó trong chiến tranh Việt Nam... Qua đó tìm ra một mẫu số chung nhất làm cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc. Nhờ biết lấy đại cục làm trọng, nhất quán với đường lối độc lập, tự chủ, Việt Nam đã vượt qua được những thử thách cam go trong quan hệ đối ngoại, tranh thủ được sự đoàn kết và viện trợ to lớn của cả Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Khi Việt Nam mở cục diện “đánh-đàm”, Liên Xô thúc đẩy ta sớm có thỏa hiệp với Mỹ, cho dù thỏa hiệp đó chưa đáp ứng được yêu cầu của ta. Ngược lại, Trung Quốc lại phản đối, cho rằng “miền Bắc bỏ rơi miền Nam”, là “mắc mưu xét lại”... Việt Nam một mặt kiên trì trao đổi, giữ quan hệ thân thiện và chân thành với hai nước; mặt khác vẫn kiên định đẩy mạnh cục diện “đánh-đàm”, lấy kết quả thực tế để từng bước thuyết phục bạn. Trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, rồi mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Liên Xô từ chỗ muốn Việt Nam sớm thỏa hiệp với Mỹ nhưng rồi vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đòn tiến công quân sự. Trung Quốc từ chỗ không đồng tình với việc Việt Nam đàm phán với Mỹ nhưng đến năm 1970 thì công khai ủng hộ đàm phán.
Trong giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nguồn viện trợ quân sự từ Liên Xô và Trung Quốc dành cho Việt Nam suy giảm và bị dừng hẳn kể từ đầu năm 1973. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiên định với kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù không còn nguồn viện trợ quân sự từ các nước nhưng nhờ thấu triệt tinh thần độc lập, tự chủ nên ta vẫn tạo được thế và lực áp đảo kẻ địch. Để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta đã chuẩn bị được hơn 60 nghìn tấn vật chất các loại; xây dựng được quả đấm chủ lực với 17 sư đoàn, tạo được ưu thế tương quan lực lượng nhiều gấp 1,7 lần quân địch.
Có thể thấy, bằng sự phát huy tinh thần độc lập tự chủ, với phương thức ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam đã hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của trục quan hệ Mỹ-Xô-Trung, góp phần làm thất bại âm mưu của Đế quốc Mỹ trong việc chia rẽ giữa các nước xã hội chủ nghĩa để cô lập và làm suy yếu cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã nhận được 2.362.682 tấn vật chất và vũ khí các loại từ các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó chủ yếu là từ Liên Xô và Trung Quốc. Nguồn viện trợ này tương đương gần 7 tỷ rúp. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn này từ các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.
Nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng thông điệp về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ mà Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại cho hậu thế vẫn còn nguyên giá trị. Thông điệp đó thêm một lần nhắc nhở chúng ta rằng, để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình và phát triển, cần phải kết hợp cả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nhưng phải luôn coi yếu tố nội lực là nhân tố quyết định; lấy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế trong sáng làm nền tảng và động lực để khơi dậy sức mạnh và khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của Thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”
Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.5.