Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Cần một lộ trình “dễ thở”

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành bia - rượu - nước giải khát tại Việt Nam đều ủng hộ mục tiêu của Chính phủ liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, cần có một lộ trình điều chỉnh ở mức độ vừa phải và theo giai đoạn, giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
Cần một lộ trình “dễ thở”

Dự thảo sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV vào tháng 5/2025, nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và hạn chế các sản phẩm gây hại cho sức khỏe và môi trường. Dự thảo gồm hai phương án: Phương án 1 tăng thuế 5% mỗi năm từ 2026, đạt 90% vào 2030; Phương án 2 tăng thuế 15% từ 2026, sau đó tăng 5% mỗi năm, đạt 100% vào 2030. Bộ Tài chính ưu tiên phương án 2.

Theo đó, giá bán bia sẽ tăng 20% vào năm 2026 so với 2025, và tiếp tục tăng 2-3% mỗi năm sau đó. Ngoài ra, nước giải khát có hàm lượng đường hơn 5g/100 ml sẽ được đưa vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 10%. Những điều chỉnh này khiến các doanh nghiệp trong ngành đồ uống, đặc biệt là bia và rượu, lo ngại về tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Động lực tăng trưởng đang “có vấn đề”

Tại Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 22/4 vừa qua, PGS, TS Trần Đình Thiên đã chia sẻ quan điểm về tình hình kinh tế hiện nay, đặc biệt là sự gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường. Đây là dấu hiệu cho thấy môi trường kinh doanh đang gặp phải rất nhiều vấn đề nội tại.

Ông Thiên cũng chỉ ra những nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát lại thấp và lãi suất cao, trong khi tiền tệ dồi dào nhưng doanh nghiệp lại thiếu vốn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, ông Thiên nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần một cách tiếp cận mới và cần xem xét lại động lực tăng trưởng, trong đó, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân cần được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, ngành này không chỉ gắn bó lâu dài với đời sống của người dân mà còn đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách nhà nước, khoảng 2% GDP và nộp hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời ngành giải quyết vấn đề lao động, thu hút hàng triệu lao động gián tiếp từ các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, ông Việt cũng nhận định rằng, ngành bia hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh thuế TTĐB ngày càng tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, khi thuế TTĐB tăng 5%/năm, ngành bia đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể về tốc độ tăng trưởng, chỉ còn 6,85% so với mức 9,76% trước đó trong giai đoạn 2009-2015.

Mặc dù sau đó có sự phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành bia vẫn không thể sánh kịp tốc độ tăng trưởng GDP trong cùng giai đoạn, với mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 3,3% trong giai đoạn 2016-2024. Điều này dẫn đến tình trạng giảm sút trong việc nộp ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Việt, dù Bộ Tài chính đã từng điều chỉnh thuế nhiều lần trước đây, nhưng mỗi lần tăng thuế chỉ dao động từ 5-10%, nên dù có khó khăn, các doanh nghiệp ngành bia vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm nữa sẽ là một thách thức lớn khi các doanh nghiệp vừa phải vật lộn với tình trạng phục hồi chậm, vừa phải chịu sức ép từ nguồn lực tài chính hạn chế.

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc SATRACO (Thành viên Ban Điều hành Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - Sabeco) cho biết, dù ngành bia đã bắt đầu phục hồi vào năm 2022, nhưng tình hình kinh doanh còn chậm và bất ổn. Từ giữa năm 2023, sức mua của người tiêu dùng lại suy giảm, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức từ Nghị định 100 và Nghị định 168, khiến sản lượng bia chỉ tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so năm 2019.

Dự báo tình hình kinh doanh trong những năm tới sẽ càng khó khăn hơn. Sabeco lo ngại nếu thuế TTĐB đối với bia tăng mạnh như dự thảo, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kéo theo tác động tiêu cực đến các ngành liên quan, đồng thời làm giảm đóng góp ngân sách cho các địa phương.

Cũng bày tỏ quan ngại, ông Bùi Hữu Quang, đại diện Carlsberg Việt Nam cho biết, công ty đã cam kết phát thải ròng bằng 0 từ năm 2028, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon quốc gia vào năm 2050. Tuy nhiên, việc tăng thuế quá cao và quá nhanh có thể dẫn đến các hệ lụy không mong muốn, như thúc đẩy thương mại bất hợp pháp và gây khó khăn trong quản lý thuế.

Ngoài thuế, ông Quang cũng chỉ ra rằng, ngành bia, rượu, nước giải khát còn chịu ảnh hưởng từ nhiều luật khác, như Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn và các quy định về mức cồn tối thiểu, điều này càng làm tăng thêm thách thức cho doanh nghiệp trong ngành.

Cần một lộ trình “dễ thở” ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: MỸ Á

Tăng thuế vẫn khó thay đổi nhận thức người dân

Đồng tình với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, ngành chưa từng được hưởng chính sách ưu đãi thuế trong những năm qua. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm giảm động lực và nỗ lực đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng rượu, bia không rõ nguồn gốc, chiếm tới 63% thị trường, có thể gia tăng nếu thuế tăng mạnh. Điều này khiến người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, chuyển sang sản phẩm kém chất lượng. Hệ quả là khu vực tư nhân không chính thức sẽ gia tăng sản xuất rượu, bia không đạt chuẩn, tiềm ẩn gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng và xã hội.

Vì vậy, TS Bình nhấn mạnh, một lộ trình tăng thuế hợp lý, cả về mức thuế và thời gian áp dụng, là rất cần thiết để đạt được mục tiêu của sắc thuế TTĐB.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, trong các kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua các luật như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chính phủ, Quốc hội và ngành y tế đều hướng tới giảm tiêu thụ rượu, bia và thuốc lá, nhất là ở thanh, thiếu niên và người lao động.

Tuy nhiên, ông Hòa nhận định rằng, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật Thuế TTĐB có hiệu lực, ngành bia đã bị tác động lớn, sản lượng và kinh doanh giảm sút. Một thí dụ điển hình là Nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam đóng cửa và tại Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó khăn, phần lớn do tác động của thuế và quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Thêm vào đó, hàng hóa nhập lậu qua cửa khẩu cũng góp phần làm tăng sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành.

Vì vậy, ông Hòa ủng hộ phương án 1 trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) và đề nghị nghiên cứu thêm phương án 3 do Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đề xuất để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Đối với nước giải khát có đường, ông Hòa cho rằng, không nên vội vàng đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế, vì tình trạng béo phì ở trẻ em do nhiều yếu tố tác động, không chỉ riêng từ nước giải khát có đường.

Cùng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh rằng, chính sách thuế cần hài hòa ba mục tiêu: Bảo vệ sức khỏe, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Việt đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt đối với ngành bia, rượu và lùi hiệu lực tăng thuế TTĐB đến năm 2028. Đối với nước giải khát có đường, ông Việt cũng đề xuất chưa đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế.

Ở góc độ nhà hoạch định chính sách, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Quản lý Giám sát Chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao thực hiện dự án sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, bám sát chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng phê duyệt. Ông khẳng định rằng, mục tiêu của chiến lược này không phải là tăng thu ngân sách qua thuế TTĐB, mà chủ yếu nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm như rượu, bia và nước giải khát.

Bộ Tài chính đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 sang 2027. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất thực hiện phương án tăng thuế “đỡ sốc” cho doanh nghiệp, với thuế rượu từ 20o trở lên tăng từ 65% lên 90% trong 5 năm, rượu dưới 20o mức thuế tối đa là 60% và bia tăng từ 65% lên 90% trong cùng giai đoạn.