Nhiều sản phẩm lặng lẽ rút công bố
Thông tin thêm về vụ việc Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma đã sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, thu lợi gần 500 tỷ đồng vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. Các chuyên gia lên tiếng rằng, ở đây, có sự “đánh lận con đen” về tên gọi sản phẩm. Các loại sữa bột bị phát giác là giả vì có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố (đủ điều kiện để xác định là hàng giả). Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia 5-2: 2020/BYT do Bộ Y tế ban hành, nếu các sản phẩm sữa có hàm lượng đạm đạt 34% mới được gọi là sữa bột. Tuy nhiên, các đối tượng khai trước cơ quan công an, chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh, còn việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất trong sữa thì gần như không. Vậy, các sản phẩm này chỉ có thể gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không được gọi là sữa bột. Nhưng khi đưa ra thị trường, chúng lại được bán với giá ngang với sữa bột thật.
Liên quan đến việc tự công bố của doanh nghiệp và hậu kiểm của cơ quan chức năng, trong số 573 nhãn hiệu sữa giả được bán ra thị trường, có 305 nhãn hiệu được chi nhánh các công ty công bố tại Hòa Bình. Đây là một trong những kiểu “lách” của doanh nghiệp, đăng ký công bố sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau và để địa phương đó hậu kiểm. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm tại các địa phương còn nhiều bất cập vì thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực, kiểm tra kiểu “đánh tiếng” hay bao che… khiến doanh nghiệp “xấu” càng tự do tung hoành.
Bằng chứng là qua trả lời báo chí, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị này chưa từng lấy mẫu hậu kiểm. Nhiều chi nhánh công ty, thực tế lại là phòng khám phụ sản (!). Cùng thời điểm này, trên cổng thông tin của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng đã lặng lẽ rút số công bố.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) ngày 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra yêu cầu, Hà Nội phải là nơi cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và văn minh đô thị. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành phố giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến đời sống người dân, nhất là vấn đề VSATTP. Không thể để vấn đề mất VSATTP ảnh hưởng đến uy tín của thủ đô. Những vấn đề này đáng báo động. Chính phủ phải tiếp tục quan tâm, giải quyết, không thể để những sự việc tương tự xảy ra, ảnh hưởng tới nhân dân, sức khỏe nhân dân.
Và như vậy, muốn làm tốt công tác VSATTP, trước tiên, phải lấp các lỗ hổng quản lý.
Xử lý nghiêm hành vi kê đơn để trục lợi
Về phân phối các loại sữa, thực phẩm chức năng hiện nay, sàn thương mại điện tử đang là kênh dễ tiếp cận với người tiêu dùng nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có sự xuất hiện của các bác sĩ có chuyên môn dinh dưỡng, những người nổi tiếng được thuê để tư vấn, quảng cáo thổi phồng sự thật. Nguy hiểm hơn, ngay tại các bệnh viện, đã xuất hiện các “trình sữa viên” đến tận buồng bệnh “bắt tay” bác sĩ kê thêm “phụ lục” dinh dưỡng phải bổ sung khi điều trị.
Về vấn đề này, dư luận cho rằng, cần có sự quản lý chặt của các bộ chủ quản là Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với văn nghệ sĩ, hay Bộ Y tế đối với các bác sĩ và đội ngũ tiếp thị vào bệnh viện để bán sữa, thực phẩm chức năng.
Tại Công văn 2350, để bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, chuyên môn y tế và bảo đảm quyền lợi, sự an toàn của người bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung: Thứ nhất, đối với việc kê đơn, chỉ định, sử dụng thuốc phải rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng trong cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).
Rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).
Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nếu phát hiện hành vi trong KCB: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong KCB: Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở KCB khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi; người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức; lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm việc kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Quản lý, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc đối với người hành nghề phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh, tính cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Tăng cường hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn, giám sát kê đơn; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và triển khai hoạt động quản lý tương tác thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ hai, đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… trong cơ sở KCB: Kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện); thực phẩm chức năng… cho người bệnh, người nhà. Rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện thực hiện theo đúng quy định tại Điều 67 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Thông tư số 18 ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
Kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.
Xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung trên và báo cáo tình hình triển khai thực hiện, kết quả xử lý vi phạm (nếu có) về Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 24/4/2025.