Luật hóa xử lý nợ xấu

Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu đã lộ rõ. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang đặt ra kỳ vọng về một khuôn khổ pháp lý minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích các bên.
0:00 / 0:00
0:00
Luật hóa xử lý nợ xấu

Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội ban hành năm 2017. Một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết là cho phép các TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.

Khoảng trống pháp lý

Sau hơn 6 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể, tính từ tháng 8/2017 đến cuối năm 2023, tổng số nợ xấu được xử lý khoảng 445 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xử lý mà khách hàng trả nợ là 161 nghìn tỷ đồng, xử lý tài sản bảo đảm 93 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 20% trong tổng số nợ đã xử lý). Trong bối cảnh đó, chỉ có 10% bị ngân hàng tiến hành thu giữ và có phát mại theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Ngoài ra, ý thức và trách nhiệm của người đi vay trong việc trả nợ đã được nâng lên. Trước đây, nợ khách hàng tự trả bình quân chỉ khoảng 20%. Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tỷ lệ này tăng lên 36%. Quan trọng hơn, Nghị quyết 42 đã góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đưa các tài sản “bất động” trở lại phục vụ nền kinh tế.

Giữa lúc đang “thuận buồm xuôi gió”, Nghị quyết 42 chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2023. Một số quy định cốt lõi vẫn chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Một khoảng trống “mênh mông” về pháp lý nảy sinh. Hoạt động xử lý nợ xấu gặp nhiều trở ngại, dòng chảy tín dụng có nguy cơ bị gián đoạn… ảnh hưởng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tổng số nợ xấu hiện nay lớn hơn so với giai đoạn triển khai Nghị quyết 42. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số nợ xấu là 4,55%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn là 6,41%. Một năm sau, tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ xấu khoảng 5,46% tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Đặc biệt, hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34 nghìn tỷ đồng).

“Đáng quan ngại, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì ý thức trả nợ của khách hàng thậm chí còn kém hơn, tinh vi hơn. Có những khách hàng tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, thậm chí không trả lãi, phải tranh chấp ra tòa”, ông Hùng cho biết.

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực nam sông Hồng, Ngân hàng Eximbank cho rằng, các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Điều này ảnh hưởng ngay tới lợi nhuận nên ngân hàng phải huy động và cho vay với lãi suất cao hơn. Nếu có cơ chế giải quyết nợ xấu hiệu quả sẽ giúp khơi thông nguồn lực này, qua đó giúp ngân hàng giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng hai con số.

Băn khoăn với con số hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam tính toán, với dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nguồn lực bị ảnh hưởng nợ xấu là con số rất lớn, có nguy cơ trở thành "vốn chết". Vốn không quay vòng được, trong khi tài sản bảo đảm đi kèm lại không thể xử lý do vướng pháp lý, khiến hệ thống ngân hàng vừa mất vốn, vừa bị giam giữ tài sản.

Điều này làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, từ đó đẩy lãi suất cho vay tăng cao - một hệ lụy mà toàn nền kinh tế phải gánh chịu. Về khía cạnh xã hội, tâm lý chây ỳ trong trả nợ đang có dấu hiệu quay trở lại. Khi người vay thiếu ý thức trách nhiệm, thậm chí coi tài sản vay được là tiền của ngân hàng, hệ quả sẽ là sự suy giảm niềm tin trong toàn hệ thống tài chính.

Luật hóa xử lý nợ xấu ảnh 1

Các ngân hàng cần hệ thống luật pháp để xử lý rủi ro tiềm ẩn.

Đề xuất quyền thu giữ tài sản

Trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất luật hóa ba nhóm chính sách tại Nghị quyết 42. Theo đó, các TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và TCTD.

Đồng thời, tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các TCTD. Đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các TCTD.

Ủng hộ chính sách này, đại diện Ngân hàng Eximbank cho rằng, quyền thu giữ tài sản không nên chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật, mà cần có quy định rõ về trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra nợ quá hạn, nợ xấu, hạn chế thấp nhất việc lạm dụng, trục lợi từ việc bán tài sản khách hàng... Về phía ngân hàng cũng có những quy định kiểm soát chặt chẽ với các cán bộ, có chế tài với cán bộ khi để xảy ra nợ xấu. “Chúng tôi hy vọng rằng khi luật được ban hành, ngân hàng sẽ có công cụ pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ đến tận cùng vụ việc, không để vướng mắc kéo dài, đồng thời củng cố văn hóa vay và cho vay trên cơ sở liêm chính".

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thu giữ tài sản là giải pháp cuối cùng khi người vay không hợp tác, chây ỳ trả nợ. Theo đó, quy trình này cần phải có điều kiện cụ thể và công khai để người dân và các bên liên quan biết và có thể giám sát. Điều quan trọng nhất là bảo đảm sự bình đẳng giữa các TCTD và người vay, trong đó TCTD phải tạo điều kiện tốt nhất cho những khách hàng thiện chí.

Ở góc độ pháp lý, dù khẳng định luật hóa là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song TS Lê Duy Bình cũng lưu ý việc chuyển hóa các quy định mang tính thí điểm thành luật đòi hỏi phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đặc biệt là sự công bằng giữa các bên liên quan, bao gồm TCTD, khách hàng vay vốn và các chủ thể có quyền lợi liên đới khác.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là điều kiện tiên quyết để giải phóng nguồn lực đang bị "đóng băng" trong hệ thống tín dụng. Bởi, ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản bảo đảm vốn được pháp luật bảo vệ như một quyền dân sự đương nhiên.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, quyền này chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, gây cản trở lớn cho việc thi hành hợp đồng tín dụng và xử lý nợ. Do đó, cơ quan soạn thảo cần thiết kế quy trình thu giữ tài sản bảo đảm dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích (tức là không nghiêng về phía ngân hàng hay người vay mà đặt trong khuôn khổ pháp luật công bằng, minh bạch). Đây là điều kiện để khôi phục lòng tin giữa các bên và bảo đảm trật tự tín dụng, yếu tố sống còn của nền kinh tế.

Dự kiến, dự thảo luật này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới đây. Theo đó, việc luật hóa các nội dung như quyền thu giữ tài sản sẽ phải được xem xét tổng thể trong hệ thống pháp luật hiện hành, tránh mâu thuẫn và bảo đảm tính thống nhất.

Với yêu cầu giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, TS Lê Duy Bình cho rằng: "Nếu nợ xấu giảm xuống 2 - 3%, thay vì mức 6 - 7%, thì nguồn lực cho nền kinh tế sẽ tăng lên, các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi vay và sự an toàn của hệ thống tài chính cũng sẽ được cải thiện hơn".