Đa dạng hoạt động mừng đại lễ
Tại đường Lê Duẩn (Quận 1), lễ diễu binh - diễu hành quy mô lớn diễn ra trong không khí trang nghiêm, hào hùng. Sau khi đi qua Hội trường Thống Nhất, lực lượng diễu binh, diễu hành chia làm bốn hướng và di chuyển về điểm tập kết. Xe mô hình Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi đầu khối diễu binh, diễu hành. Quốc huy được đặt trên biểu tượng chim Lạc, vươn mình bay lên, thể hiện ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Xe đại diện cho 54 dân tộc anh em. Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện quan trọng này là phần tham gia của hơn 50 khối diễu binh - diễu hành cùng màn bắn đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các khẩu pháo được chia thành 5 trung đội, mỗi trung đội gồm ba khẩu và mỗi khẩu có ba pháo thủ đảm nhiệm, thực hiện nghi thức bắn 21 phát theo nghi lễ quân đội. Cùng với đó là màn trình diễn ấn tượng của lực lượng không quân trên bầu trời thành phố.
Trong đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải, lần đầu tiên, các khối diễu binh từ Lào, Campuchia, Trung Quốc và khối kiều bào tiêu biểu với 120 đại biểu từ 25 quốc gia cùng sánh bước với hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ từ các lực lượng trong nước gửi đi thông điệp về hòa bình và hợp tác quốc tế. Trung tâm Báo chí phục vụ công tác tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước được đặt tại trụ sở Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi tổ chức điều hành, hướng dẫn các hoạt động báo chí liên quan đến đại lễ cho phóng viên trong nước và nước ngoài. Với sự kiện quốc gia lần này, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 169 phóng viên quốc tế thuộc 39 hãng thông tấn báo chí và 17 quốc gia; hơn 630 phóng viên từ 81 cơ quan báo chí trong nước đăng ký tác nghiệp. Thành phố tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên, biên tập viên tác nghiệp thuận lợi, từ đó truyền tải những thông tin, hình ảnh về buổi lễ đến đồng bào cả nước và nhân dân thế giới. Để phục vụ người dân cũng như truyền thông, thành phố lắp đặt 20 màn hình LED dọc các tuyến đường trung tâm, tạo điều kiện cho hàng triệu người theo dõi trực tiếp sự kiện quy mô này.
Bên cạnh lễ kỷ niệm cấp quốc gia và lễ diễu binh - diễu hành, trong ngày 30/4, người dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng du khách sẽ được tham gia nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, trưng bày triển lãm, hoạt động trình diễn hấp dẫn, đẹp mắt tại khu vực trung tâm và các quận, huyện. Từ nhiều tháng trước, Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động kế hoạch tổng thể cho đại lễ, các chương trình sơ duyệt. Tại đại lễ năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận nhiều nhiệm vụ quốc gia then chốt như tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia, lễ diễu binh - diễu hành, các chương trình văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội thảo khoa học, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…
Để thực hiện các nhiệm vụ, thành phố đã huy động nguồn lực lớn chưa từng có, từ kinh phí, nhân sự đến công nghệ hiện đại. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước chia sẻ, lễ diễu binh - diễu hành cấp quốc gia không chỉ là dịp để kỷ niệm một cột mốc lịch sử quan trọng mà còn là cơ hội để mọi người bày tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đồng thời thắp lên niềm tin mới, khát vọng mới, khí thế mới, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
![]() |
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong lễ diễu binh - diễu hành.Ảnh: DUY LINH |
Thể hiện lòng tri ân
Nhiều ngày trước khi đại lễ chính thức diễn ra, các tuyến đường tại khu vực trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh luôn tấp nập người dân, du khách đợi xem chương trình sơ duyệt, tổng duyệt và giao lưu với các khối diễu binh - diễu hành. Hòa vào dòng người xuống phố những ngày cuối tháng 4 có TS Nguyễn Thị Lệ Mỹ, Trưởng khoa Khoa học xã hội - Ngôn ngữ quốc tế, Trường đại học Gia Định cùng các sinh viên của mình. Chị Mỹ là con gái của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão, nguyên Trung đoàn phó
Trung đoàn 48. Trước khi Tổng thống Dương Văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng quân giải phóng, Trung đoàn 48 của ông cùng với các đơn vị khác của Sư đoàn 320 đã chiến đấu không dưới 20 trận chiến lớn nhỏ, gây nên nỗi khiếp đảm và kinh hoàng cho quân lực Việt Nam cộng hòa. Bố chị Mỹ may mắn được thấy đất nước hòa bình, độc lập nhưng nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống khi ngày giải phóng cận kề.
Chị Mỹ sinh ra trong thời bình nhưng lớn lên bằng những câu chuyện kể của bố cùng đồng đội nên thấu hiểu bao mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Bố hay dặn chị, rằng “Hòa bình là món quà lớn nhất mà lớp trẻ hôm nay nhận được. Nhưng nó cũng là trách nhiệm, để các con phải biết sống sao cho xứng đáng”. Những ngày này, câu chuyện chiến tranh, tinh thần bất khuất của các chiến sĩ lại được bố và đồng đội nhắc nhớ khiến chị Mỹ thêm xúc động. Như một cách thể hiện lòng biết ơn, bên cạnh việc đến cổ vũ, động viên tinh thần cho các khối tham gia chương trình sơ duyệt, tổng duyệt, chị Mỹ còn tự thiết kế một “tour” tìm hiểu về ngày 30/4 lịch sử và rủ sinh viên trải nghiệm. Cô trò cùng đạp xe qua các tuyến đường trung tâm, nơi 5 cánh quân ngày trước đồng loạt tiến vào Dinh Độc Lập. Tại mỗi điểm dừng, chị đều kể cho sinh viên nghe về các sự kiện lịch sử quan trọng của ngày 30/4/1975. Sau đó, họ ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Cà-phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn và kết thúc hành trình bằng việc đến rạp xem phim Địa đạo. Trước khi trở về nhà, chị Mỹ cùng học trò ngồi viết thư tay gửi lời tri ân đến các cựu chiến binh. “Đạp xe qua từng con đường, ngắm nhìn thành phố dưới ánh nắng lung linh của những ngày tháng 4, tôi hiểu rằng, lịch sử không chỉ nằm trong sách vở. Lịch sử nằm trong từng hơi thở, từng viên gạch, từng bước chân vững chãi của thế hệ hôm nay”, chị Mỹ xúc động cho hay.
Trong số những đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 30/4 có một gương mặt rất đặc biệt. Ông là cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi), người vừa vượt chặng đường 1.300 km từ Nghệ An vào Thành phố Hồ Chí Minh trên chiếc xe máy cũ. Nhiều người thắc mắc tại sao không đi máy bay hay tàu xe cho an toàn, tiện lợi, ông Thanh cười hiền, giải thích: “Tự chạy xe vào miền nam dự đại lễ thay vì đi tàu xe hay máy bay, tôi có thể tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước và thắp nén hương tri ân đồng đội đã hy sinh. Tôi hạnh phúc khi được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của ngày lễ trọng đại này”.
Hành lý gọn gàng với mấy món đồ tối giản trong vali, bếp ga nhỏ, xoong nồi, vài món đồ cá nhân, bộ đồ nghề sửa xe, cứ thế ông lên đường vào nam. Lá cờ Tổ quốc được xếp gọn gàng, đặt bên trên hành lý. Trên cuộc độc hành đầy ý nghĩa ấy, ông thường xuyên ghé thăm các nghĩa trang, kể cho đồng đội nghe chuyện đất nước đã đổi mới thế nào từ ngày giải phóng. Ông Thanh nói, mình may mắn khi được thấy cảnh thanh bình, càng may mắn hơn khi được hòa vào ngày lễ lớn của dân tộc, vậy nên dù cực khổ vẫn vô cùng xứng đáng. Ông Thanh nhập ngũ vào năm 1968, tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, nơi chịu quá nhiều mất mát, đau thương trong “Mùa hè đỏ lửa”. Trong những trận chiến khốc liệt ngày ấy, bao đồng đội của ông đã ngã xuống, mãi mãi không trở về. Ông nhớ ơn họ và muốn dùng chuyến đi này để tri ân. Có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sau 10 ngày chạy xe, ông Thanh xúc động khi nhận được thư mời của Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Sau buổi lễ, ông sẽ dành thời gian ghé thăm vài địa điểm nổi tiếng của thành phố và ôn lại lịch sử những ngày tháng 4 của 50 năm về trước.