SK là tập đoàn đa ngành lớn thứ hai tại Hàn Quốc với giá trị vốn hóa gần 200 tỷ USD, thuộc tốp 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Tập đoàn sở hữu khoảng 200 công ty con, với tổng doanh thu năm 2024 vượt 150 tỷ USD, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD vào các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Công ty dược Imexpharm, cùng các dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học thân thiện môi trường.
Vươn lên dẫn đầu
Đầu tháng 1, SK thoái vốn khỏi Vingroup. Nhưng sự kiện này không thay đổi cách đánh giá tích cực của SK đối với thị trường Việt Nam. Một tháng sau, lãnh đạo SK cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng sạch (LNG, điện gió, điện mặt trời, hydrogen), dược phẩm - y tế, logistics và công nghệ thông tin. Việc SK gia tăng hiện diện tại Việt Nam không chỉ mang đến nguồn vốn lớn, mà còn tạo cơ hội hợp tác chiến lược, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước đó, đầu năm 2025, Samsung Display (Hàn Quốc) đã chính thức nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để tăng vốn đầu tư. 1,2 tỷ USD được “rót” vào nhà máy sản xuất các loại màn hình thế hệ mới ở Bắc Ninh. Sản phẩm của nhà máy bao gồm màn hình OLED cho điện thoại di động, các sản phẩm cho thiết bị IT, ô-tô. Với khoản đầu tư này, Samsung mong muốn Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của Samsung toàn cầu.
Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đánh giá, trong 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam năm 2024, Hàn Quốc đứng thứ hai (sau Singapore). Dòng vốn 7,06 tỷ USD từ Hàn Quốc, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư, tăng 37,5% so với năm 2023. Trong tháng 1/2025, Hàn Quốc vươn lên dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,25 tỷ USD, chiếm hơn 28,9% tổng vốn đầu tư, gấp 13,4 lần cùng kỳ. Lũy kế đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đến nay đã lên đến 92 tỷ USD.
Những doanh nghiệp từ Hàn Quốc không chỉ mang đến nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao và bán dẫn tại Việt Nam. Điển hình là Samsung, một trong những tập đoàn dẫn đầu với những khoản đầu tư chiến lược vào Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực. LG cũng không kém cạnh khi tiếp tục mở rộng các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Hải Phòng. Hơn nữa, các doanh nghiệp này thường xuyên phối hợp với đối tác địa phương để xây dựng chuỗi cung ứng vững mạnh, thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái kinh tế trong khu vực.
Về mặt tầm nhìn, thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng xanh… còn nhiều triển vọng. Việt Nam có thể vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, trở thành động lực mạnh mẽ trong những lĩnh vực trên. Trong tương lai gần, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn mong muốn tham gia các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao bắc - nam, điện hạt nhân,… từ các khâu thiết kế, chế tạo,… đến đào tạo nguồn nhân lực.
Ứng phó với biến động
Theo khảo sát của KoCham, 82% số doanh nghiệp Hàn Quốc tin rằng, Chính phủ Việt Nam ứng phó hiệu quả với các biến động bên ngoài. Khả năng đó đến từ năng lực ngoại giao và các chính sách hỗ trợ FDI của Việt Nam. Tuy vậy, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu cho thị trường toàn cầu, bao gồm thị trường lớn là Mỹ, khá lo ngại về các điều chỉnh chính sách thuế, thương mại của Tổng thống Donald Trump. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ các vấn đề về thuế quan khi xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường này.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng quan tâm việc cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics tại Việt Nam. Đồng thời, họ mong muốn có chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhất là trong nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, giảm các rào cản liên quan thủ tục hải quan, thuế nhập khẩu và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)... Việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục hành chính sẽ giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung yên tâm hơn trong những quyết định đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Tại tọa đàm với 35 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Những đột phá chiến lược dựa trên tinh thần “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh” được đề ra để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc xây dựng hạ tầng chiến lược giao thông, logistics, hạ tầng năng lượng, điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, hạ tầng số,… sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, quản trị thông minh, tiến hành cách mạng về tổ chức bộ máy... vẫn luôn được chú trọng và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, kỳ vọng các doanh nghiệp mạnh từ xứ sở “Kim Chi” tiếp tục làm tốt hơn nữa hoạt động hợp tác, đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Qua đó đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước, thập kỷ sau cao hơn thập kỷ trước. Những kinh nghiệm quý báu của doanh nghiệp sẽ giúp ích cho phát triển, xây dựng thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Trong chiến lược dài hạn, khi mở rộng đầu tư kinh doanh, Việt Nam sẵn sàng trở thành cứ điểm phát triển, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến...
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Nhanh chóng hiện thực hóa tác động lan tỏa của chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, các lĩnh vực chiến lược về đổi mới sáng tạo... Đồng thời, cũng không nên bỏ qua đầu tư hợp tác trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các dự án bất động sản, phát triển kết cấu hạ tầng, viễn thông, phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa và giải trí… “Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.