Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân cường nước thịnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời nhắc nhở mọi người hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Hà Tĩnh, những năm qua, đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, là nét đẹp văn hóa của người dân Hà Tĩnh.
![]() |
Đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thành kính dự Đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Hà Tĩnh. |
Từ thuở khai thiên lập địa, 18 đời Hùng Vương đã nối nghiệp, tập hợp các bộ lạc để đấu tranh với thiên tai, giặc giã, mở mang bờ cõi, lập nên nhà nước Văn Lang-Âu Lạc xưa. Trong hành trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, vùng đất Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tự hào là nơi gắn với huyền sử Thủy tổ Kinh Dương Vương đã chọn vùng đất trên dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) để định đô nhằm dựng xây cơ nghiệp muôn đời sau cho con cháu nước Việt.
Trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị xã Hồng Lĩnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh tổ chức lễ dâng cúng vật phẩm của các địa phương trong toàn tỉnh; lễ tế dân gian; nghi lễ rước linh vị Thủy Tổ và Quốc tổ Hùng Vương và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: Giải Bóng chuyền nam thanh niên toàn tỉnh (trong chương trình Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ X năm 2025) diễn ra từ ngày 2-4/4 (tức ngày 5-7/3 âm lịch); hội thi “Gói và nấu bánh chưng, bánh dày dâng Quốc Tổ” diễn ra vào sáng 6/4 (tức ngày 9/3 âm lịch) và chương trình dạ hội văn nghệ hướng đến đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào tối 6/4 (tức ngày 9/3 âm lịch).