Một dãy mây xanh

Cầu Nàng Dình đang nâng cấp cho xứng tầm với con đường mở rộng về hướng biên giới. Vậy mà vào giai đoạn đá đổ lổn nhổn nhất, xe lu xe xúc đang rì rầm ngày đêm tất bật nhất thì em nuôi của đồn lại… chạy xe đạp trượt đá, té gãy giò!
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Vì đơn giản, nếu không đi qua cầu Nàng Dình thì không còn con đường nào khác để em đến trường.

Em họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đen, từ lớp Hai đến nay, Đen là em nuôi của Đồn biên phòng Vàm Bảo.

Năm nay Đen học lớp 7, hoàn cảnh cuộc đời em như một phiên bản lỗi của ông trời. Cha mẹ chia tay khi Đen lên 4 tuổi, dĩ nhiên em sống với mẹ, mẹ Đen dĩ nhiên đi thêm bước nữa và “đính kèm” theo thằng cu con. Nhưng ông cha dượng không ưa Đen, nói thằng bé gì mà đen đến nỗi “trời đánh phải rọi đèn pin” nhìn dơ dơ ghê ghê ớn quá!

Cha dượng Đen thừa biết “thương mẹ thì phải bế con”, nhưng mẹ của Đen giờ cũng đang ôm cái bụng bầu là con của ông, nên thôi cho thằng nhỏ về ngoại đi, mỗi tháng ông sẽ cho một bao gạo 25 kg và trăm cái trứng vịt, vì ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng.

Đen khóc lóc không chịu xa mẹ để về với bà ngoại, vì nó ưa những đám ruộng gò vừa gặt lúa mà cha dượng lùa vịt mỗi ngày. Cậu bé lên 5 chạy lúc thúc trong đám chân mạ ấy, rồi sẽ phát hiện cái hang chuột đồng, cái ổ cá trê. Rồi nó sẽ níu tay cha dượng mà cùng nhau bắt. Rơm đốt lên, chuột đồng nướng, cá trê nướng thơm cả mái tóc trẻ thơ hoe hoe nắng. Cha dượng gỡ miếng nạc cá đưa cho Đen, dặn phải gỡ như vậy thì lúc ăn sẽ không bị mắc xương. Nó gật đầu lia lịa, cười phô hàm răng đang bị sún rất duyên.

Vậy mà bây giờ cha dượng đòi đem Đen về ngoại, nên em không chịu. Nhưng nó không có quyền quyết định.

May cha dượng Đen giữ lời hứa, cứ đầu tháng là chở một bao gạo về, mỗi cuối tuần mà mang một bọc trứng vịt về nhà ngoại Đen.

Chỉ có điều ăn trứng vịt hoài cũng ngán, mà cha dượng của Đen toàn cho trứng bể, trứng ung chứ hiếm khi trứng nguyên lành. Nên bà ngoại thằng Đen cũng không thể bán trứng bớt cho quán tạp hóa được. Bà cằn nhằn nói cha dượng của Đen không giữ lời, nói cho trứng mà sao không cho trứng nguyên giùm một chút.

Người đàn ông nắng gió vùng biên mắt vằn lên: “Má nói vậy mà nghe được hả? Thử coi cha ruột thằng Đen có cho nó cái vỏ trứng nào không? Tui cho trăm trứng là trùm rồi đó”.

Bà già vợ nghẹn cổ. Cha dượng bé Đen nói đúng mà. Thôi trứng ung trứng bể còn hơn không có cái trứng nào.

Cha dượng “trao trả” Đen xong thì quay xe ra về trong tấm lưng ướt đẫm mồ hôi. Thằng Đen muốn dụi mặt vào tấm lưng áo của cha dượng, để nghe mùi mồ hôi của người cha mà mấy lâu nay nó thèm có được. Nhưng chiếc xe máy cũ kỹ đã khuất xa rồi. Trời vùng biên nắng đã ngả về tây mà những dãy mây xanh còn cao vòi vọi trong lòng thằng bé bao điều ước.

Nhưng rồi từ khi mẹ thằng Đen sinh em bé, thì cha dượng thằng Đen không chở gạo, chở trứng vịt về nhà bà cháu thằng Đen nữa.

Bà ngoại Đen đi bán vé số, bây giờ thì tăng cường thêm cái bao để lượm ve chai mà nuôi thằng cháu. Chính quyền địa phương biết hoàn cảnh, cũng hỗ trợ một xuất quà hàng tháng dành cho hộ neo đơn. Cái ăn đắp đổi, cái học chấp chới nên khi Đồn biên phòng Vàm Bảo phối hợp với chính quyền địa phương chọn nhân vật cho chương trình “em nuôi đồn biên phòng” thì thằng bé Đen được xét duyệt.

*

5 năm qua, cậu bé lớp 2 đen nhẻm, dơ dơ và ngơ ngơ ngày nào giờ đã thành một chú bộ đội nhí khi sáng sớm biết dậy xếp mùng mền gọn gàng, biết chạy xuống bếp phụ lặt rau, rửa cá, ra vườn rau tăng gia mà hái nắm kinh giới, hái rổ cúc tần, cắt luôn mớ rau muống vô cho các anh bộ đội.

5 năm qua, do chương trình luân phiên cán bộ, chiến sĩ nên bé Đen phải lần lượt làm quen và “theo nếp” của 5 “anh nuôi”. Trong đó, người làm Đen thương nhiều nhất là Thượng úy Thành, anh là người trực tiếp chăm sóc Đen vào năm lớp 3 và lớp 4. Do anh ấy cũng có một đứa con ở tuổi Đen nên trong mọi sinh hoạt không có khoảng cách anh-em mà như cha-con vậy.

Ba Thành dạy Đen chơi cờ tướng, đánh cầu lông, rèn chữ đẹp, các kỹ năng chống lại bạo lực học đường và quan trọng anh còn dạy Đen cách bảo vệ “vùng kín” sao cho không bị xâm hại.

Đen thương ba Thành lắm, những khi chạy chơi ở trường bị té, về không dám nói nhưng lúc ăn, lúc thể dục thì cậu bé lên 10 phải nhăn mặt vì đau. Vậy là ba Thành phát hiện, ba rửa vết thương, thổi phù phù cho đỡ xót vùng da vừa sát trùng rồi ba cẩn thận quấn băng gạc cho Đen, dặn dò lần sau có đau thì phải nói. Sự ân cần và yêu thương đó làm Đen muốn khóc, vì cha ruột và cha dượng chưa ai chăm sóc cho Đen như vậy.

Nhưng rồi do luân chuyển cán bộ nên ba Thành phải chia tay đồn Vàm Bảo. Dù đã “nói chuyện tâm lý” với Đen khá nhiều nhưng ngày ba Thành lên xe rời đi, Đen vẫn không cầm được nước mắt mà thét lên “Ba Thành ơi…” làm cho cán bộ, chiến sĩ Vàm Bảo phải ôm Đen thật chặt.

Tấm lưng to bè của ba Thành đã khuất sau cánh cửa xe, rồi xe nổ máy. Trong mắt Đen chỉ còn lại dãy mây xanh là mầu áo thân thương đượm mùi mồ hôi quen thuộc của ba Thành. Nó cứ khóc hức… hức... trong vòng tay các anh, các chú ở lại của đồn Vàm Bảo.

*

Năm học lớp 7 này thì Đen được Trung úy Lê Sĩ Tùng trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Tùng 26 tuổi, hơn Đen 12 tuổi, nên Đen dễ dàng hơn trong cách xưng hô. Anh Tùng thì xuề xòa “Ê nhóc, em bằng tuổi em trai út của anh đó, coi nhau như anh em nhen. Biết chơi game không? Rảnh solo nha!”.

Sự thân thiện và dễ tính của anh Tùng khiến Đen như mở cờ trong bụng, vì nó là tín đồ của game mà!

Vậy là cậu nhóc lớp 7 ngoài thời gian học ở trường thì dính sau lưng anh Trung úy Tùng. Anh Tùng làm việc với máy tính, Đen ngồi nhìn và xin học đánh máy để “phụ anh”. Rồi anh Tùng phát hiện cậu em nuôi đồn biên phòng này có năng khiếu với máy vi tính vì đánh máy nhoay nhoáy, thiết kế, trang trí tranh vẽ trên máy tính rất nhanh và chuẩn mầu.

Anh Tùng thử giao cho vài văn bản, Đen xử lý nhanh hơn thời gian quy định, lại còn biết dùng công nghệ để chỉnh sửa văn bản mà không cần nhập liệu lại. Một đứa trẻ lớp 7 mà làm được như vậy, thì quả thật em rất giỏi rồi.

Mỗi chiều hai anh em chạy thể dục cùng nhau, anh Tùng hỏi ước mơ của Đen sau này là gì, em bảo “Em muốn học làm kỹ sư IT, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập cao, để em có dư tiền mà nuôi bà ngoại, phụ mẹ nuôi em của em. Rồi em sẽ cất một cái nhà thật lớn, để nuôi hết các em có hoàn cảnh như em, như mấy chú mấy anh bộ đội đang nuôi em vậy nè! Rồi bé nào muốn học vi tính thì em dạy, cho tụi nó vọc máy thỏa thích mà cũng làm ra tiền từ cái máy vi tính”.

Hai tấm lưng ướt đẫm mồ hôi cứ đều đều chạy bên nhau trong những câu chuyện trò to nhỏ. Đen cười hăng hắc chỉ những vệt mồ hôi lan trên lưng áo thun xanh của anh Tùng rằng, mồ hôi vẽ đủ hình thù lên mầu áo anh. Đây cái hình đầu cá sấu đang há ra, đây hình trái tim nghiêng một bên, đây nữa là hình cái bông bốn cánh… Ơi anh Tùng ơi… em thấy mầu áo anh như một dãy mây xanh của ông trời còn mấy vệt mồ hôi vẽ hình này là như những đám mây đen cài lên mầu xanh vậy đó!

Anh Tùng không nhịn được cười, rằng ý tuởng của em ngang tầm với nhà văn hay họa sĩ gì đó, chứ chắc không phải là kỹ sư IT tương lai. Đen cười ha há khiến mấy chú sóc dọc đường phải giật mình. Rằng ước mơ là miễn phí nên em cứ mơ ước vậy thôi. Còn để trở thành một kỹ sư IT thì phải học nhiều lắm.

*

Mấy năm nay Đen đi học bằng xe đạp, từ đồn ra tới trường chừng 4 km thôi, nhưng từ bữa trượt đá của cầu Nàng Dình và gãy chân thì hằng ngày Trung úy Tùng phải chở Đen đi học. Nhưng tới bên này chân cầu, anh Tùng phải bỏ xe máy lại, rồi cõng Đen qua. Khi em an toàn đầu cầu bên kia thì Trung úy Tùng quay lại chạy xe máy qua cầu dưới lớp đá lổn nhổn. Rồi lại chở Đen lên xe và chạy tiếp đến trường.

Cơ thể cậu bé lớp 7 đã gần 50 kg, đi qua cây cầu gập ghềnh đá càng khiến sức nặng gấp hai gấp ba. Tấm lưng người anh nuôi phải gồng lên mới giữ được đứa em không bị té.

Buổi sáng còn đỡ, buổi trưa giữa cơn nắng gió vùng biên mồ hôi ướt sũng mà anh Tùng cũng phải cõng Đen qua cầu.

Dụi mặt vào tấm lưng mướt mồ hôi đó, tự nhiên nước mắt Đen trào ra. Tiếng híc… híc… làm anh Tùng lo ngại vì không biết trong lúc mình cõng thì trúng chỗ nào làm cái chân cậu em nuôi bị đau mà nó khóc.

- Dạ em không có đau… mà là em thương anh phải cõng em. Mồ hôi anh ướt hết lưng như dãy mây xanh bị đám mây đen chen vô vậy đó… Y như ba Thành của em, y như cha dượng của em vậy đó…

Anh Tùng cười xòa rằng em là nhà văn tương lai chứ kỹ sư IT tương lai cái gì! Thì trời biên giới mầu xanh nên mầu áo các anh bộ đội biên phòng cũng xanh. Mầu xanh là mầu hy vọng, cũng như các anh hy vọng em chăm chỉ học hành để mai sau nên người vậy đó.

Cái đầu khét nắng của thằng Đen gục gặc trên lưng Trung úy Tùng, cây cầu Nàng Dình dài có 15m, mà nó ngỡ dài 150m giữa nắng trưa dưới mầu xanh bất tận của mây trời và thương yêu.