1/Nhớ lắm những năm đánh Mỹ xâm lược gian khổ, trong những câu chuyện của mẹ về cha tôi, mẹ hay nhắc: “bà nội các con còn có người con gái đầu lòng, đã mấy chục năm bằn bặt tin tức”. Xuân năm 1975, cùng với bước chân của đoàn quân thần tốc, cả gia đình tôi hồi hộp mong chờ ngày đất nước hòa bình thống nhất để đón cha tôi và anh tôi từ chiến trường trở về; để tìm bác gái tôi trong mênh mông trời đất Sài Gòn.
Thế rồi tin nối tin… Từ Sài Gòn, bác gái tôi nhớ tên làng quê ven sông Đáy, đã liên lạc về quê ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng… Con chim có tổ, con người có quê hương cội rễ. Và ở quê, tin về bác gái tôi còn sống, con cháu đề huề, khiến cả họ tộc vui mừng khôn xiết. Tin bay ra Hà Nội. Nhân một chuyến công tác của mẹ tôi, bác Toan - con trai trưởng của ông bà tôi, đang ở phố Tây Sơn, đã đưa địa chỉ rõ ràng của bác ở phố Trần Khát Chân, quận 1, để mẹ tìm gặp bác.
Lần gặp đầu tiên ấy, mẹ tôi nhớ như in: “Bác giống bà như đúc. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đẹp, sáng rỡ, nét môi tươi… Mẹ nhận ra ngay khi chợt thấy một bà đã lớn tuổi đang bán bánh ở đầu ngõ.
- Xin lỗi, có phải chị là con gái cụ bà ở làng Hòa Xá, dưới chị có hai em trai không?
- Ủa, thím là ai mà biết rành như vậy, đúng tôi là con gái cụ bà ở làng Hòa Xá đây.
Nước mắt tuôn trào! Giây phút đầu tiên gặp nhau, mừng mừng tủi tủi sau mấy chục năm bác tôi xa quê là vậy! Giản dị biết bao, mà nỗi ngóng trông ngày trở về dài đằng đẵng từ hồi làng nước còn bị người Pháp cai trị đến hồi người Mỹ đưa quân đội, súng đạn vào miền nam. Ngôi nhà nhỏ của bác tôi ấm nồng chuyện nhà, chuyện quê hương…
Sau chuyến công tác, mẹ tôi mang ảnh bác và các chị về cho cả nhà xem. Thư đi thư lại. Bao nỗi niềm trong những dòng thư mộc mạc mà bác Toan tôi gửi cho chị gái, kể chuyện “Mẹ đã ngoài 70 tuổi, cả nhà mong anh chị sớm ra”.
![]() |
Số báo Văn nghệ ngày 22/11/1975, bìa là tranh vẽ người dân hai miền Nam Bắc vai kề vai, tay trong tay lần nữa lan tỏa thông điệp đất nước thống nhất, nhà nhà đoàn tụ. Nguồn: ZNEWS.VN |
2/Một ngày cuối năm, vợ chồng bác đáp tàu thủy ra Hải Phòng, từ đó lên Hà Nội. Trong ngôi nhà lợp giấy dầu đơn sơ, nói sao hết “nỗi mừng hơn mọi nỗi mừng”, bữa cơm đoàn tụ đầm ấm, an vui! Bà tôi tóc đã bạc phơ, là người mừng vui hơn ai hết. Anh Trường, cháu đích tôn của ông bà tôi, từ chiến trường Quân khu 9 cũng đã trở về. Bà con ở ngõ phố, chuyên dệt màn và dệt khăn rằn cung cấp cho mặt trận, đêm ngày lách cách tiếng thoi đưa, kéo sang uống trà, hút thuốc lá cuốn, tưng bừng…
Xa quê thuở thiếu nữ xinh đẹp với mái tóc mây, miệng cười tươi sáng vẫn còn vương trên đôi môi ăn trầu đỏ thắm, bác tôi về quê cha đất tổ, tóc đã pha sương, thắp hương hai bên nội ngoại, thăm bà con họ hàng. Bữa ăn cơm ở nhà tôi, bác vẫn nhớ mang ra quà quê là bánh gai Tế Tiêu, thơm ngon nức tiếng xa gần và rất thích món canh riêu cua kiểu vị bắc, lại có đặc sản đậu Mơ rán thật mềm, bùi, nhất là không thể thiếu món cà pháo muối giòn tan.
Ngày tạm biệt Hà Nội, bác mang chè tươi vào làm quà cho bà con ngõ phố . “Vị chè xanh ngọt chát, bà con mình sống trong Sài Gòn sao quên được”. Bác bảo tôi thế khi giục tôi đi mua một làn to chỉ có lá chè rồi bọc gói cẩn thận để giữ lá còn tươi sau 2 đêm đi tàu hỏa trở vô.
Tháng tiếp tháng, năm theo năm, chỉ có nỗi nhớ mẹ và Hà Nội vẫn đau đáu trong tâm trí. Bác nhớ đến mức, có lần giấu biệt chị tôi, mua vé tàu Thống Nhất. Tàu về đến Ga Hà Nội lúc tờ mờ sáng, bác cứ theo phố Khâm Thiên, lần lần đi bộ về phố Tây Sơn.
Và mỗi dịp bác ra, chúng tôi lại vui sướng đưa bác đi thăm các danh lam thắng cảnh của Hà Nội, làm các món “truyền thống” đãi bác. Vui nhất là bác ra vào dịp hè để chị em tôi sắm quà gửi vào là bánh cốm và sấu xanh!
![]() |
Số báo Văn nghệ mừng Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1976 in tranh của họa sĩ Hồ Quảng vẽ hai em nhỏ đại diện cho hai miền Nam - Bắc cùng vun tưới cho cây non. Nguồn: ZNEWS.VN |
3/Đã 19 năm không còn bác ngóng trông chị em tôi vô Sài Gòn. Nhớ bác là nhớ cái dáng cao cao thanh mảnh, đẹp giống hệt bà tôi! Nhớ cả cái cách làm món ăn, nấu bếp, cũng khéo tay, hệt như bà tôi. Lại có lần tôi từ Côn Đảo về Sài Gòn, tàu cánh ngầm cập bến trễ giờ, bác đã cao tuổi vẫn lên xe bus từ Gò Vấp đến nhà anh tôi ở Trần Khát Chân “xem con Thu đã về chưa, gửi ra ngoài đó ít bánh tráng”, rồi lại lật bật lên xe bus về Gò Vấp. Nỗi nhớ của người già xa quê, ngày nam đêm bắc là vậy đó! Tôi cầm xấp bánh tráng, nghe mắt mũi cay xè.
Hè năm rồi, cả đại gia đình sum vầy ở nhà chị Thùy, con gái cả của bác, nghe chị kể: “Trời, má nhớ ngoải cách chi là nhớ…! Má quý cậu Toan lắm nghe! Hạp tính cậu Toan đó. Ngày còn ở với chị, ba ngày Tết má cũng biểu chị phải làm cơm cúng kiếng đủ ba ngày hệt như tục lệ ngoài quê. Rồi bấm đốt ngón tay để ra Hà Nội”. Nghe chị rỉ rả kể chuyện mà thương bác vô cùng! Không bao giờ tôi quên ngày tìm được hài cốt cha tôi hy sinh ở Cần Giuộc, Long An, anh Năm là con thứ tư của bác nói: “Má độ trì cho anh em mình tìm cậu! Lúc ở nghĩa trang liệt sĩ, anh thắp hương kêu cầu má đó!”. Tôi kêu anh: “Vào chùa Vĩnh Nghiêm thắp hương đi anh”. “Ừa, phải đó”. Anh em tôi cùng nhau thành kính thắp hương tạ ơn trời Phật!
Câu chuyện của gia tộc tôi cũng tựa như hàng nghìn gia tộc trên dải đất hình chữ S, khao khát “bắc nam liền một dải”, để nối liền những miền yêu thương đêm ngày mong nhớ, sum họp một nhà. Hòa bình, sum họp, yêu thương, mãi mãi là ước vọng đẹp nhất của mỗi người, mỗi nhà, mỗi dân tộc trên trái đất này!