(Tiếp theo và hết)
Trung đoàn 27 là một trong những lực lượng đi đầu trong đội hình thọc sâu của Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) đánh chiếm tuyến tử thủ Sài Gòn, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của sư đoàn phát triển đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.
Những điều làm nên chiến thắng
Đêm 29/4/1975, không khí tại Sài Gòn và các khu vực lân cận như Lái Thiêu tràn ngập căng thẳng. “Chiều 29/4, khi nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 phải đẩy nhanh tốc độ tiến quân hơn nữa, Tư lệnh Sư đoàn 320B Lưu Bá Xảo điện cho tôi hỏi về tình hình trinh sát Lái Thiêu”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại về thời khắc trước giờ phút lịch sử. Chỉ thị của Tư lệnh như lời thúc giục, lại vừa là mệnh lệnh yêu cầu khi tình hình đã rất khẩn trương, các đơn vị phải nhanh chóng bắt tay vào tổ chức chuẩn bị chiến đấu.
Đêm 29/4, Trung đoàn 27 đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km. Vị trí của chỉ huy Trung đoàn 27 dừng chân chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu là một rừng cao su ven lộ 13. Sở Chỉ huy Trung đoàn là một chiếc nhà bạt căng tạm giữa rừng cao su. Chỉ thị của Tư lệnh Sư đoàn nhanh chóng giải quyết Lái Thiêu, bảo đảm thông đường đúng thời gian, song khó khăn lớn nhất lúc đó là tình hình, địa bàn địch trong quận lỵ Lái Thiêu chưa nắm được cụ thể. “Giải quyết việc này, tôi, anh Thư (Chính ủy Trung đoàn Trịnh Văn Thư), anh Giáp (Tham mưu trưởng Trung đoàn Nguyễn Viết Giáp) quyết định cùng trinh sát đi vào thị trấn, dựa vào dân để nắm địch”, ông Hiệu kể.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ký hiệu của Trung đoàn 27 là BK19. Mật danh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Nguyễn Huy Hiệu là Phong và Chính ủy Trịnh Văn Thư là Hàm. Ông Hiệu giải thích với tôi: “Trong chiến dịch, chúng tôi trao đổi, đưa tin với nhau đều bằng mật danh và ký hiệu. Đặc biệt phải dùng mật khẩu, hỏi: Hồ Chí Minh, đáp: Muôn năm. Trên ngực mỗi người có miếng vải đỏ để xác định”.
Giọng hồ hởi như vừa nhớ ra được điều gì, ông phấn khởi kể tiếp: “Tối đó, tôi, anh Thư, anh Giáp và một tổ trinh sát bám vào hàng cây bên đường đi về phía quận lỵ. Đường 13 tối mịt mù, chỉ có một ngôi nhà lụp xụp, trong nhà le lói ngọn đèn dầu. Tôi nghĩ đây có thể là cơ sở của ta, nên nói trinh sát hô “Hồ Chí Minh” ba lần. Một lát sau, có một bà má ra mở cửa, đáp lại: “Muôn năm”. Đúng như dự đoán, căn nhà của bà Huỳnh Thị Sáu, tên thường gọi là Sáu Ngẫu, chính là cơ sở cách mạng của ta.
Nhưng khi đưa ra tấm bản đồ quân sự, nhìn qua, bà bảo không rành bản đồ này mà vào trong lấy ra một bọc giấy báo. Bà mở bọc, cẩn thận trải tờ giấy đã ố vàng lên mặt bàn, đó chính là tấm bản đồ đô thành Sài Gòn quý giá. Bà kể cho các chiến sĩ giải phóng về việc chồng bà đã giữ tấm bản đồ từ năm 1961. Từ ngày ông mất, bà Sáu Ngẫu đã cẩn thận làm thay công việc của chồng, thường xuyên ghi chép, thêm vào những ký hiệu đánh dấu các vị trí mới của địch trên sơ đồ.
“Tôi và mọi người theo dõi một cách chăm chú, bà má chỉ dẫn và nói rằng toàn bộ quân địch ở quận lỵ Lái Thiêu là vậy, tấm bản đồ này má trao lại cho mấy con”, ông Hiệu nhớ lại rành rẽ như mới ngày hôm qua. Theo bản đồ của má, cách nơi đóng quân khoảng 5 km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy, song bà cũng dặn: “Ngày mai tiến công, các con không cần đánh, họ sẽ kêu hàng. Nhưng phải chiếm thật nhanh Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.
Trước băn khoăn về việc liệu có con đường nào khác để vào Sài Gòn, bà Sáu Ngẫu tiết lộ chỉ có cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được, chỉ có bộ binh có thể qua. Bà Sáu thậm chí còn ngỏ ý cùng hai con nhỏ ngồi lên xe tăng dẫn đường cho Quân Giải phóng tiến công vào Gò Vấp. “Tuy nhiên, tôi và các đồng đội đã từ chối vì má Sáu đã già và hai con má còn nhỏ. Chúng tôi hẹn má đánh xong trận này sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào”, ông nhấn mạnh.
Chính thông tin từ má Sáu Ngẫu đã giúp ban chỉ huy Trung đoàn điều chỉnh đội hình ngay trong đêm, bảo đảm thắng lợi cho mũi thọc sâu của đơn vị. Từ buổi hành quân ở ven đê sông Đáy đến tận giờ phút căng thăng trên chiến tuyến tại Lái Thiêu, tình quân dân như một minh chứng của sức mạnh đoàn kết đã góp phần làm nên chiến thắng.
Sau này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhiều lần trở về thăm lại má Sáu Ngẫu và biết trước đây má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở trường trung học trên Sài Gòn. “Giọng nói bà ấm áp, chữ viết bà đẹp lắm, nên lúc đó tôi đã nghĩ bà hẳn không phải người nông dân bình thường”, ông giải thích với chúng tôi. Thượng tướng cho biết, ông đã nhiều lần về thăm bà Sáu Ngẫu khi còn sống và góp phần xây mộ khi bà qua đời. Sau này, nhạc sĩ Văn Thành Nho có sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao” dựa trên câu chuyện có thật về má Sáu Ngẫu. Bài hát đã được phát nhiều lần trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Lịch sử Trung đoàn bộ binh 27, Sư đoàn 390 (giai đoạn 1968 - 2018) có ghi: “Những ngày cuối tháng 4/1975, tâm lý hoang mang, dao động trong các đơn vị địch. Trận mở cửa Lái Thiêu là trận hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn. Trung đoàn 27 chúng ta đánh nhanh hay chậm đều ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian mũi thọc sâu của Sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn. Vì vậy, bằng giá nào Trung đoàn ta cũng phải tiến công theo đúng kế hoạch, thời gian”.
![]() |
Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 tại TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đập tan tuyến tử thủ phía bắc Sài Gòn
Với nguồn sức mạnh tinh thần từ tình quân dân, Trung đoàn 27 đã trở thành mũi thọc sâu sắc bén, mở đường cho chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Sau hai giờ chiến đấu liên tục, Trung đoàn 27 đã làm chủ quận lỵ Lái Thiêu, tuyến “tử thủ” mà quân ngụy Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan, cánh cửa phía bắc Sài Gòn đã rộng mở. Lúc này, từ ngã tư Búng, đội hình xe tăng, xe thiết giáp, bộ binh cơ giới của Sư đoàn ào ạt phóng qua Lái Thiêu trong tiếng hò reo của nhân dân trong quận.
Những trận đánh vang dội ở các quận lỵ Tân Uyên, Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước…, Trung đoàn 27 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở màn cho lực lượng thọc sâu của Sư đoàn 320B đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn. Đồng thời, Trung đoàn cũng tự mở đường tiến vào đánh chiếm khu binh chủng và hậu cần kỹ thuật của quân ngụy ở Gò Vấp kết thúc đúng vào trưa 30/4/1975.
Dù vậy, trong những thời khắc căng thẳng đó, ngay trước giờ toàn thắng, chúng ta vẫn phải đánh đổi bằng hy sinh, mất mát. Vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 và các đơn vị, cánh quân khác đã anh dũng ngã xuống ngay hôm trước đó, hay trước thời khắc giải phóng chỉ vài giờ. Trên suốt chặng đường chiến đấu, từ mùa xuân năm 1968 đến Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không khi nào quên tưởng nhớ tới những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì thắng lợi huy hoàng. Suốt hàng giờ nghe câu chuyện của ông, chúng tôi như quay lại một thời hoa lửa, mỗi câu chuyện không chỉ tư duy bằng ký ức thông thường mà thật sự là “bằng trận đánh”, như câu thơ:
“Các chiến sĩ quen nghĩ bằng trận đánh
Quen hy sinh, quen đột biến từng giờ”.
(Hữu Thỉnh, Đường tới thành phố)
Sau khi nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là việc tặng sách cho các đơn vị, địa phương, các vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo trên cả nước. “Đến nay, tôi đã tặng hơn 50.000 cuốn và sẽ tiếp tục dành tặng sách cho các đơn vị ở miền nam, đặc biệt là các thư viện trường học và đơn vị quân đội, với mục đích cao đẹp là để thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu sắc lịch sử của đất nước”, ông nhẹ nhàng căn dặn.
Trong cuộc hẹn gặp với chúng tôi những ngày đầu tháng 4, ông ôn lại về các trận đánh, các chiến dịch và những sự kiện quan trọng liên quan cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vị tướng trưởng thành từ quân ngũ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi chép lại lịch sử một cách trung thực và khách quan. “Năm ngoái, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và các cấp liên quan, đoàn làm phim Mỹ đã tới gặp tôi thực hiện hai bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam với mong muốn phản ánh sự thật lịch sử đến người dân Mỹ và bạn bè quốc tế”, ông phấn khởi chia sẻ.