Những mất mát lùi xa

Họ là những người vợ, người mẹ, người chị, người em... đã gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn, khi chồng, con, người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khó mà kể hết được những gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh - câu chuyện đó còn nối dài qua các thế hệ…
0:00 / 0:00
0:00
Bà Liên nâng niu tấm bằng công nhận thành tích người cao tuổi mẫu mực, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Liên nâng niu tấm bằng công nhận thành tích người cao tuổi mẫu mực, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm tháng đau thương ấy, họ đã phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã, vừa phải gồng mình nuôi con, gánh vác trách nhiệm gia đình, vừa phải vượt qua nỗi đau mất mát để tiếp tục sống và cống hiến.

1/Khi còn bé, gia đình tôi làm công nhân tại Hợp tác xã gốm Phú Nhuận thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hợp tác xã ngày đó có hai dãy nhà tập thể đối diện nhau, ở giữa là một khoảng sân rộng. Ngày đó, mỗi buổi chiều, sau những giờ chơi đùa khiến đầu tóc lấm lem, tôi lại được chị Quyên gọi về gội đầu bằng nước bồ kết.

Chị tên Đỗ Thị Quyên, là vợ của anh Nguyễn Văn Lưu, người anh họ hàng trong nhà. Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những nỗi niềm của chị. Chỉ biết rằng, anh chị lấy nhau chưa bao lâu thì anh lên đường nhập ngũ.

Rồi anh Lưu hy sinh. Nhưng chị Quyên không tin. Chị vẫn ở lại làm công nhân hợp tác xã gốm, chờ đợi một phép màu, một sự nhầm lẫn nào đó. Chị tin rằng, anh sẽ trở về. Thời gian về sau, đất làm gốm cạn kiệt, hợp tác xã gốm giải thể. Gia đình bác Tiêu (bố anh Lưu) chuyển về quê ở xóm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Bác Tiêu khuyên chị Quyên về quê ở cùng gia đình rồi tìm một người đàn ông khác để nương tựa. Nhưng chị Quyên không đành lòng. Chị vẫn ở lại lò gốm Phú Nhuận, nơi còn lưu giữ những kỷ niệm về anh Lưu.

Rồi chị cũng phải chấp nhận sự thật rằng, anh Lưu đã hy sinh. Hơn mười năm sau đó, chị Quyên lấy một người đàn ông góa vợ và sinh được hai người con, một trai, một gái. Mãi sau này, được người em chồng là anh Nguyễn Văn Chữ làm hồ sơ, chế độ, chị Quyên mới nhận được khoản trợ cấp mỗi tháng 1.650.000 đồng. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những mất mát thầm lặng của chị.

Chị Quyên là một trong hàng nghìn người phụ nữ ở thời ấy đã sống những tháng năm dài chờ đợi vô vọng, chịu nỗi đau mất chồng, rồi đành rẽ bước sang ngang. Họ là những người hùng thầm lặng, đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc.

2/Trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài, mảnh đất Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã phải oằn mình gánh chịu những mất mát chẳng thể nào bù đắp. 1.662 người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống, 690 liệt sĩ nằm lại nơi đây, và 145 người mẹ đã trở thành biểu tượng của sự hy sinh cao cả - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhớ về những tháng ngày chiến tranh, bà Hồ Thị Liên (87 tuổi, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều), vẫn không khỏi rùng mình. "Làng mạc chìm trong bóng đêm, thỉnh thoảng một tia sáng lóe lên giữa bầu trời lại là từ loạt đạn pháo của quân Mỹ", bà kể. "Tôi, một nách ba con, đứa nhỏ nhất mới vài tháng tuổi. Ngày nào cũng vậy, súng đạn có nổ hay không tôi vẫn phải ra đồng cấy lúa, trồng đậu. Đó là nguồn lương thực duy nhất để nuôi gia đình, để sống sót".

Bình Triều, một vùng quê nghèo khó, thuần hậu, vốn chỉ biết đến ruộng đồng, bỗng phải gánh chịu sự tàn khốc của chiến tranh. Những thước phim về chiến tranh, dù được làm từ góc nhìn nào, cũng đều khắc họa hình ảnh những làng quê bị càn quét, bắn phá.

Ngày 16/10/1969, bà Liên nhận được tin chồng hy sinh. "Hai đứa con lớn ngồi lặng lẽ, nhìn ra màn đêm đen kịt", bà nhớ lại. "Tôi ôm đứa con nhỏ 9 tháng tuổi, nhìn ra ngoài. Ngoài kia, bóng tối cướp đi mạng sống của người chồng, người cha của các con tôi".

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, giữa tiếng súng đạn và nỗi đau mất mát. Bà Liên không chỉ nuôi ba con nhỏ, mà còn phải chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. "Mình là chỗ dựa duy nhất của gia đình, mình phải kiên cường", bà nói.

Bà Liên nay vui hơn vì đã có 6 cháu nội, 4 cháu ngoại khỏe mạnh. Thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, bà Liên móm mém khoe rằng, bà luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chu đáo.

Bình Triều hôm nay đã hồi sinh, những cánh đồng lúa, đậu xanh mướt trải dài. Nhưng những câu chuyện về quá khứ đau thương vẫn còn ám ảnh. Ông Huỳnh Thẩm, người có ba người thân hy sinh và mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, kể về những cuộc săn lùng hầm bí mật, những màn tra tấn dã man của kẻ thù. Làng quê kiên trung theo cách mạng đã phải chịu đựng "no đạn, đủ đòn".

Nhưng sau những mất mát, đau thương, người dân Bình Triều đã đứng lên làm lại từ đầu. Thế hệ thứ ba, những người cháu của những người đã ngã xuống, đang nỗ lực xây dựng quê hương. Huỳnh Thanh Hòa, một trong số đó, đã thành lập công ty xây dựng, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Bình Triều, từ một vùng quê chìm trong khói lửa chiến tranh, đã vươn mình trỗi dậy. Mầu xanh của những cánh đồng hôm nay là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây, là minh chứng cho sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống và là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

3/Và câu chuyện cuối, tôi muốn kể về một gia đình, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Gia đình ấy, có con bảo vệ tiến sĩ sinh học tại Pháp, có cháu bảo vệ tiến sĩ công nghệ tại Đức và nhiều người cháu khác đang học tập hoặc làm việc tại châu Âu.

Đó là một gia đình sinh sống trong một ngôi làng hiếu học. Làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), ngôi làng yên bình nằm sâu trong lòng Đồng bằng sông Hồng, không chỉ nổi tiếng với truyền thống hiếu học mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện tình yêu bất diệt.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây đã tiễn đưa biết bao người con ưu tú lên đường nhập ngũ, trong đó có liệt sĩ Vũ Xuân Lâm. Trước khi khoác áo lính, ông Lâm và bà Vũ Thị Dung nên duyên vợ chồng. Tình yêu của họ vừa chớm nở, còn nồng nàn hơi ấm, thì tiếng gọi của non sông vang vọng. Trong hoàn cảnh đất nước, bà Dung tiễn chồng lên đường, mang theo niềm tin và nỗi nhớ mong da diết.

Rồi tin dữ ập đến, ông Lâm hy sinh tại chiến trường Quân khu 5. Nỗi đau mất mát tưởng chừng quật ngã người phụ nữ trẻ. Nhưng bà Dung đã nén chặt nỗi đau, không đi bước nữa, mà nhận chị Vũ Thị Đào làm con nuôi (trong gia đình bà Dung còn có một người anh là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ). Bà quyết định rời xa quê hương, xin vào làm cấp dưỡng tại Trường đại học Nông nghiệp 1, vừa làm việc, vừa nuôi con khôn lớn.

Mang trong lòng nỗi day dứt khôn nguôi, bà Dung và chị Đào đã nhiều lần lặn lội tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Vũ Xuân Lâm, nhưng vô vọng. Câu chuyện của bà Dung không phải cá biệt, mà là nỗi niềm chung của biết bao gia đình liệt sĩ, những người vợ trẻ phải gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn.

Để người chồng đã khuất có thể mỉm cười nơi chín suối, bà Dung đã dồn hết tâm sức nuôi dạy con gái nên người. Chị Đào không phụ lòng mẹ, nỗ lực học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học tại Pháp.

Thế hệ thứ ba trong gia đình - các cháu của bà Dung và liệt sĩ Vũ Xuân Lâm, cũng tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng họ. Họ đã trưởng thành, thành đạt, người thì có bằng đại học, người trở thành tiến sĩ ở Đức.

Hành trình đi qua nỗi đau mất mát của họ là một hành trình đầy gian nan và thử thách, nhưng cũng là một hành trình đầy nghị lực và lòng kiên cường. Họ đã biến nỗi đau thành động lực để sống tốt hơn, làm những điều có ý nghĩa hơn. Đất nước đã thống nhất 50 năm. Hôm nay, chúng ta lại dành sự tri ân đối với những người phụ nữ Việt Nam Anh hùng. Họ là những người đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của đất nước.