1/Qua việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (năm 2008), đã thấy nhiều kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình thực hiện… Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam với nhận thức vị thế quan trọng của văn nghệ sĩ trong đời sống văn hóa Đảng ta đã tiếp tục bổ sung công tác xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới trong các nghị quyết, hội nghị, hội thảo quan trọng. Theo đó, văn nghệ sĩ được xác định là một thành phần quan trọng trong đội ngũ trí thức. Đặc biệt, các hội văn học nghệ thuật địa phương được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cần bám sát nội dung Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư để điều chỉnh hoạt động, tổ chức cho phù hợp chức năng nhiệm vụ.
Nhìn lại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều bài tham luận của các chuyên gia, GS, TS đã chỉ ra những vấn đề quan trọng để “văn hóa là nền tảng xã hội”. GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nêu một thực trạng: Những vấn đề văn hóa hết sức quan trọng này đã có lúc không được chú ý nhìn nhận một cách thấu đáo, vì thế tạo nên sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ và trong xã hội, gây tổn thất rất đau đớn trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ văn hóa, đó chính là sự không nhìn nhận động lực của những khía cạnh văn hóa trong mọi hoạt động và hành vi cuộc sống. Đối với bộ phận cán bộ tha hóa, một khía cạnh văn hóa tiêu cực kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn diễn ra, trong chừng mực nào đó lại còn mạnh hơn bởi việc trao quyền lực cho những người lãnh đạo ngày nay nhiều hơn. Nhất là giai đoạn sau đổi mới, các cơ quan, xí nghiệp nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo, nên cơ hội đưa người thân, họ hàng vào các vị trí cơ quan nhà nước một cách dễ dàng hơn. Đến giai đoạn cổ phần hóa các tài sản nhà nước thì những kẽ hở luật lệ trong hoạt động cổ phần bị khai thác để một bộ phận chiếm đoạt lợi ích của Nhà nước. Cùng với sự hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường và các công ty nước ngoài vào làm ăn ở nước ta, khi luật pháp chưa chặt chẽ, khung pháp lý chưa được đáp ứng đầy đủ, thì những kẽ hở ấy càng được khai thác nhiều hơn. Từ đây tạo ra các nhóm lợi ích từ kinh tế… mà cao nhất là sự tha hóa về quyền lực dẫn đến sự kéo bè, kéo cánh, mua bán quyền lực, làm hư hỏng một bộ phận cán bộ, những vụ án gần đây đã chứng minh điều đó. Điều đau đớn nhất, như Tổng Bí thư đã từng nói, đó là chúng ta không chỉ mất cán bộ, mà còn mất niềm tin trong nhân dân.
![]() |
2/Đứng trước những hiện tượng suy thoái về đạo đức, văn hóa của một số bộ phận trong xã hội hiện nay như trên thì có thể đặt ra sự so sánh với bối cảnh trước đây qua các thời kỳ lịch sử để thấy văn học, nghệ thuật đã từng làm gì nhằm góp sức trong xây dựng văn hóa, con người.
Các thế hệ đã trải qua thời kỳ kháng chiến và giai đoạn đầu đổi mới của đất nước cảm nhận thấy rõ sức mạnh của văn học, nghệ thuật của thời kỳ đó. Giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, văn nghệ sĩ cùng nhân dân vẫn hát vang bài ca hy vọng, những câu chuyện lạc quan của một thời “thiếu ăn, thiếu mặc”. Hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời. Người dân đọc sách dưới ngọn đèn dầu, biểu diễn văn nghệ trên sân kho dưới ánh đuốc đèn, các đội chiếu phim lưu động phục vụ khắp các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Từ kinh nghiệm của thời kỳ kháng chiến và đổi mới, rất cần giải pháp thiết thực để thúc đẩy hoạt động văn học, nghệ thuật ở mỗi hội nghề nghiệp trung ương và địa phương, góp sức tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ở giai đoạn hiện nay.
Ngày hôm nay, điều quan trọng nhất với đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng chưa hẳn là vấn đề vật chất. Có lẽ đối với văn nghệ sĩ quan trọng vẫn là tinh thần. Nếu được khích lệ đúng lúc, đúng thời điểm, đúng nội dung thì tài năng sẽ bộc phát và tạo nên những sự góp sức to lớn và hiệu quả. Trong công tác phòng, chống và đấu tranh quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, trong nhiều bài viết lý luận sắc bén nhưng cũng rất cần quan tâm đến tư tưởng, tâm lý, ứng xử với văn nghệ sĩ trước sau ân tình. Cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể qua các phong trào sáng tác, đặc biệt là các chủ đề sáng tác hiện nay. Đứng trước những vụ việc đang làm nóng dư luận như về chuyến bay giải cứu, như lợi dụng tín nhiệm để thao túng thị trường cổ phiếu, bất động sản bị thao túng bởi một bộ phận có tiền, được giao quyền lực, hoặc cả những vấn đề quy hoạch đất đai, tài nguyên, môi trường…, rất cần có một phong trào sáng tác văn học, nghệ thuật, để từ đó tìm ra những nhân vật điển hình trong cuộc đấu tranh thiện-ác… Luật pháp là đường biên lề để xử lý, điều chỉnh hành vi con người, nhưng văn hóa sẽ là nền tảng xây dựng vững chắc một xã hội văn minh. Khi các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác mạnh mẽ và giàu chất văn hóa thì hẳn sẽ tác động đến đạo đức, tình cảm và dẫn tới thay đổi hành động con người.
Văn học, nghệ thuật từ trong mỗi giai tầng xã hội, lịch sử xã hội sẽ xuất hiện những tư tưởng riêng để thể hiện vấn đề lịch sử của thời đại đó. Mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường phát triển lại có những yêu cầu đổi mới của thời đại. Có thể nói, đối với văn nghệ sĩ thì việc sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thực lịch sử, quê hương, vùng đất, con người, văn hóa dân tộc… để từ đó vun đắp cho đất nước, xây dựng con người mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.