Thực tế những ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã cho thấy xu hướng người dân Hà Nội mong muốn trải nghiệm thời gian nghỉ lễ dài ngày ở các địa phương khác đang trở nên phổ biến trong tương lai gần.
Khi cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào vận hành, người ta kỳ vọng một con đường vành đai 2 thông thoáng hơn. Thực tế, nó đã giải tỏa được phần nào ùn ứ từ nội đô ra khu vực bên ngoài hướng đông Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì ùn ứ cục bộ, có khi sự thông thoáng ở một bộ phận lưu thông đã khiến cho lượng lớn phương tiện dồn ứ ở hai đầu tuyến vành đai cao tốc trên cao. Thậm chí, ùn tắc ngay nút xuống ở giữa đường vành đai trong thời kỳ cao điểm.
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, Thủ đô đã khẩn trương tiến hành nhiều dự án mở rộng các tuyến đường trọng điểm. Cùng với đó, khởi công các công trình giao thông mới. Tuy nhiên, những công trình được coi là huyết mạch nhằm giải quyết tình trạng này có vẻ như vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng cao của giao thông thành phố.
Sáng 6/5, cây cầu vượt bằng thép đoạn Phạm Văn Đồng - Mai Dịch được khánh thành. Sau 2 ngày hoạt động, đoạn đường này được ghi nhận trở thành nút thắt khiến cho hầu hết các loại phương tiện… đứng yên tại chỗ. Hà Nội từng triển khai nhiều biện pháp mang tính thời điểm. Việc ngăn các ngã tư, xây dựng hệ thống cầu vượt khung thép, bố trí lại các làn xe ở một số ngã tư trọng điểm… đã cho thấy phần nào tác dụng biến giao thông từ ùn tắc giảm xuống thành ùn ứ. Đã có một số giải pháp mang tính bền vững được triển khai và rồi phải dừng lại vì không hiệu quả (như tuyến bus nhanh BRT - chỉ triển khai được một tuyến và sẽ có khả năng bị dừng hoạt động). Giải pháp hạn chế xe máy, xe thô sơ cũng mới chỉ nằm… trên giấy.
Những giải pháp cấp bách mà Hà Nội đang khẩn trương tiến hành như tuyến vành đai 2,5, tuyến vành đai 4, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội (dự kiến tháng 6 này đưa vào hoạt động), tuyến đê Âu Cơ - đầu cầu Nhật Tân (đoạn qua chợ hoa Quảng Bá) cũng được kỳ vọng là khánh thành tháng 6/2024… để chờ mong một bức tranh giao thông Thủ đô sáng sủa hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những giải pháp có thể tháo gỡ phần nào tình trạng ùn tắc cục bộ ở Thủ đô vào những giờ cao điểm. Điều quan trọng hơn là một chiến lược phát triển giao thông công cộng Thủ đô khoa học, hiện đại, với nhiều loại hình, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới đường sắt đô thị với lộ trình phù hợp từng giai đoạn cụ thể để xây dựng hệ thống giao thông công cộng văn minh, tiện ích, đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo hành khách. Có như vậy, hệ thống giao thông công cộng ở Thủ đô mới xứng tầm với sự phát triển nhanh của đất nước.