1/“Việc làm xanh” là gì? Theo Viện Khoa học lao động và Xã hội, đó là việc làm thỏa đáng trong các lĩnh vực kinh tế và các hoạt động góp phần bảo tồn, phục hồi môi trường trong cả các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, sản xuất cũng như những lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo tìm hiểu, có một ngành rất gần gũi và có thể thu hút nhiều nhân lực “xanh” là nông nghiệp, thì ở nhiều nơi đã không còn “xanh thật” nữa. Chính con người đã làm tình trạng xơ cứng đất đai trở nên đáng lo ngại hơn, rồi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, sử dụng phân hóa học quá nhiều, tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt… cũng khiến môi trường bị đầu độc.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc làm xanh không tự xuất hiện, mà hình thành từ ý thức của doanh nghiệp, từ ý nghĩ và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ bầu không khí chung. Ông Thịnh nhấn mạnh: “Khi doanh nghiệp có những cam kết về phát triển bền vững thì họ cũng phải có kế hoạch về bảo vệ môi trường, từ đó có nhu cầu về các vị trí việc làm xanh”.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Để đạt được mục tiêu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Chúng ta rất cần những giải pháp phù hợp, đặc biệt có sự cam kết của các doanh nghiệp, nhà sản xuất; cần hoàn thiện chính sách việc làm phù hợp Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo việc làm xanh và phát triển sinh kế bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếm thế, lao động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
2/Mới đây tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo Việc làm xanh trong triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh. Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan việc khảo sát, đánh giá việc thực hiện tại các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh, tạo nhiều “việc làm xanh” cho người lao động, nhất là lao động yếm thế, lao động trong ngành giao thông vận tải. Theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay vấn đề việc làm xanh, kỹ năng xanh ở Việt Nam dù đã được nghiên cứu, nhưng chưa được đánh giá, đo lường bài bản. Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tạo việc làm xanh. “Chúng ta cần nghiên cứu, triển khai các mô hình việc làm xanh, mô hình việc làm ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc làm theo kịch bản quốc gia cập nhật”, ông Liễu nhấn mạnh.
Còn theo ông Trần Quang Chỉnh, Trưởng phòng Phân tích - Dự báo Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm), cần tăng cường hơn nữa việc dự báo nhu cầu nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng xanh nói riêng. Theo đó có đánh giá, cập nhật thông tin về ngành nghề xanh để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hợp lý.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam cần tích cực hơn trong xanh hóa sản xuất, từ đó thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” bằng việc khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện môi trường.