Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Thêm trìu mến trang phục chị em các dân tộc

Cuốn sách có cái tên hơi… dài “Du khảo Rực rỡ sắc màu trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam” do ca sĩ, cựu nhà báo Nguyễn Bông Mai chủ biên, gợi những ý hay cho việc làm sách để truyền tải văn hóa, tôn vinh bản sắc một cách… dễ thương.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Bông Mai. Ảnh: THETHAOVANHOA.VN
Tác giả Bông Mai. Ảnh: THETHAOVANHOA.VN

1/“Người Kháng tại Việt Nam cư trú chủ yếu tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (tiếp lời dịch tiếng Anh). Ngôn ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á (tiếp lời dịch tiếng Anh). Tên gọi khác: Xá Khao, Xá Tú Lăng (tiếp lời dịch tiếng Anh)…”. Đó là một số câu giới thiệu trong một trang của cuốn sách in giấy đẹp, cho hiệu quả cao trong việc in mầu các hình vẽ, ảnh tư liệu. Và chỉ với mấy câu, đoạn như thế, in kèm theo đã là mấy hình ảnh trích đoạn mô tả trang phục rất sắc nét. Ở một, hai trang tiếp theo, từng bộ phận như áo, trang sức, thắt lưng, xà tích, váy và búi tóc được giới thiệu rất ngắn gọn nhưng súc tích chỉ trong một, hai câu, cùng với hình ảnh minh họa rõ ràng. Thí dụ, cũng với phần giới thiệu về người Kháng: “Thắt lưng: Có màu xanh lá cây, không trang trí họa tiết. Ở hai đầu thắt lưng được nối với hai mảnh vải đỏ. Phía dưới có một đai lưng họa tiết nhiều màu”. Và kết lại những câu chữ, hình ảnh thật cụ thể này, nhóm tác giả đặt một đoạn văn ngắn nhiều gợi mở về nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của đồng bào.

Nhưng trước khi vào phần giới thiệu dân tộc, trang phục, bạn đọc được trải nghiệm cùng tác giả Bông Mai qua một đoạn nhật ký hành trình, vừa cụ thể về không gian, thời gian, vừa có nét sinh động của chi tiết được chọn lọc và kể lại sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, thâm nhập cuộc sống, lao động, chút tâm sự của đồng bào, và cả các chiến sĩ. Thí dụ: “Xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, 07/3/2022 - Ngày thứ 34 của hành trình”, “Xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, 05/4/2022 - Ngày thứ 42 của hành trình”…

Thêm trìu mến trang phục chị em các dân tộc ảnh 1

Hình ảnh phụ nữ dân tộc Dao trong cuốn sách.

2/Cứ như vậy, các bộ trang phục của chị em 35 dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước hiện lên đa dạng sắc mầu qua cuốn sách mang tính chuyên đề: trang phục nữ, vừa có nhiều hình đẹp để xem đi xem lại, có nội dung ngắn để hiểu ngay, cùng những gợi mở chung và rung cảm phảng phất cái nhìn cá nhân. Những yếu tố đó giúp bạn đọc “thấm” cùng sách một cách nhẹ nhàng, thân mật, và có chút gì đó dịu dàng, nâng niu bởi biết rằng đang xem cuốn sách về những khăn, những váy, những mấn, “tạp dề”, những hoa văn, họa tiết… của các chị em Sán Chay (Quảng Ninh), Mạ (Đắk Nông), Chăm Hroi (Phú Yên), La Chí (Hà Giang), Dao đỏ (Cao Bằng)…

Cuốn sách và cách làm ra nó, có khả năng đáp ứng được mục tiêu của chủ biên Bông Mai khi chia sẻ mong muốn đây sẽ là một ấn phẩm trang nhã phục vụ cho hoạt động du lịch, cho du khách khi đến với các vùng dân tộc. Thêm nữa, có thể phục vụ cho việc học tập, tham khảo và ứng dụng của sinh viên lĩnh vực văn hóa, thời trang, kiến trúc cũng như các nhà tạo mẫu, kiến trúc sư khi muốn nối dài sức sống của vốn cổ đặc sắc trong nhịp sống đương đại. Và như thế, đã bảo đảm cho việc tôn vinh trang phục cổ truyền, văn hóa truyền thống một cách cuốn hút.

3/Cần nhấn mạnh ở hiệu quả cuốn hút của ấn phẩm sách văn hóa trong bối cảnh bị các loại hình giải trí, nghe, nhìn cạnh tranh dữ dội hiện nay. Làm sách, cùng với yêu cầu cao cho giá trị nội dung, còn phải có được cái hay, hấp dẫn trong cách kể, trình bày, trang trí, mỹ thuật, hình thức. Như vậy mới có thể đạt được hiệu quả tôn vinh, bảo tồn văn hóa và giúp lan tỏa những tri thức và trải nghiệm về bản sắc dân tộc tới đại chúng, bạn đọc phổ thông. Điều này thực sự vẫn là thách thức không nhỏ đối với các nhà xuất bản, công ty sách và các tác giả, những người biên soạn. Trong cuộc ra mắt cuốn sách của tác giả Bông Mai và các cộng sự đều gồm các bạn trẻ “gen Z” cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, việc hợp tác cùng ca sĩ, cựu nhà báo Bông Mai và Công ty Omega Plus cho công trình này nằm trong lộ trình chung của NXB, hướng tới những cuốn sách mới mẻ, cuốn hút, dễ tiếp cận với công chúng hơn, bên cạnh các cuốn sách văn kiện, các công trình lý luận, lịch sử chuyên sâu. Và đó cũng chính là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị một cách sáng tạo, dễ thấm, dễ cảm, hưởng ứng chủ trương của Đảng - xây dựng đời sống văn hóa, phổ biến đến nhân dân và vun đắp nền tảng xã hội bằng các giá trị văn hóa.

4/Những năm qua, đã có những cuốn sách vừa có giá trị văn học, nghệ thuật, học thuật vừa ở những mức độ khác nhau đạt hiệu quả phổ biến đến công chúng, giới nghề. Ở đó ngoài tâm huyết tác giả, còn có những sáng tạo tươi mới, trẻ trung trong việc biên soạn, cách dẫn dắt, thiết kế, trình bày, minh họa của các tổ chức, nhóm, cá nhân làm sách. Từ đó để lại kinh nghiệm hữu ích cho việc viết sách, làm sách và đưa sách tới quần chúng. Có thể kể đến “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, do NXB Văn học và Omega Plus phối hợp ấn hành; cuốn sách “Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa” (NXB Thế giới) của nhóm tác giả do TS Trần Hậu Yên Thế chủ biên; cuốn “Văn minh vật chất người Việt” (NXB Tri thức), “Tập tục đời người” (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của họa sĩ Phan Cẩm Thượng… Hoặc nhiều cuốn sách đề tài văn hóa, lịch sử Việt Nam, thế giới do NXB Kim Đồng thực hiện. Trong đó có tập sách nhỏ “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã được tái bản nhiều lần.