Chết mất thôi! Rẫy cà-phê ở gần rừng ma, mà tôi là người tưới nước. Đêm đêm ở lại rừng ma canh nước tưới cà. Mới nghĩ thôi, người tôi đã ướt đẫm mồ hôi, lạnh toát.
Con suối nơi đặt máy bơm, nối rẫy cà-phê nhà tôi bằng sáu cuộn ống nước vắt ngang qua rừng ma của người đồng bào. Cha nối ống, cho máy nổ bơm nước lên, chân bươn gai đạp cỏ mà chạy tới chạy lui điều chỉnh mức nước, kiểm tra đường ống xem có rò rỉ để kịp thời xử lý. Một giọt rơi ra khỏi bồn cà cũng làm chúng tôi xuýt xoa tiếc nuối. Mẹ sau khi kéo ống rải cùng cha thì về nhà chăm đứa em đang còn ẵm ngửa. Rẫy cà đêm đến chỉ còn một mình tôi với chi chít mồ to mả nhỏ bao vây.
Ban ngày, khi có việc đi ngang rừng ma, sống lưng tôi đã nghe lành lạnh, chân bước đi mà như chạy, không bao giờ dám ngoáy lại phía sau. Khi nhìn đâu cũng nghe tiếng rầm rì nhỏ to và trăm nghìn ánh mắt đang xoáy vào tôi tối tăm lạnh lẽo.
Nhưng tôi không phụ cùng, mình cha vất vả không thể nào xoay xở kịp khi máy bơm hư, suối hết nước, đường ống xảy ra sự cố. Canh ngày canh đêm, nước đếm từng giọt. Nghỉ một buổi là nhỡ nhàng một ngày. Nhỡ một ngày thì chậm một tháng, cà-phê chết khát, người đói cả năm. Nước quý hơn vàng, mọi thứ chi tiêu sắm sanh trong nhà đều trông chờ vào rẫy cà. Còn có sự chọn lựa nào khác sao?
Để không phải nhìn thấy những tượng nhà mồ khắp nơi chi chít, người phụ nữ bụng bầu vượt mặt, vai mang gùi, người đàn ông râu ria lởm chởm, tay vung xà gạc đang hùng hổ... làm tôi như lên cơn sốt. Tôi nhắm mắt lại. Nhắm mắt để không phải thấy, để trí tưởng tượng của tôi không lang thang theo những hình thù ấy. Mắt nhắm nhưng vẫn phải canh được bồn cà tưới đủ đầy nước, nghĩa là vừa mấp mé thành bồn là cuốn ống kéo sang cây khác, không được để cà thiếu nước. Tôi ngồi bệt, hai chân thòng xuống dưới bồn làm thước đo mực nước, mắt nhắm rịt lại, để chảy đến khi nước ướt lên đến gối thì mở mắt ra lôi ống bỏ sang gốc cà khác tiếp tục tưới. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà phải thức khuya, tôi vừa tưới nước vừa ngủ gục, nhiều lúc rơi tòm xuống nước, lóp ngóp bò dậy, răng khua vào nhau lập cập ê mình. Mà cái mùa khô Tây Nguyên thiệt ương chướng, ban ngày thì nắng nóng như mặt trời điên cuồng mang vạc dầu sôi ném xuống đất. Còn khi đêm sương sa xuống thì cái lạnh châm như chích vào da thịt người buốt nhói, thấu tận xương. Giờ còn được khuyến mãi thêm cái ướt của nước nữa, đúng tái tê lòng.
Áo mưa, áo khoác có bao nhiêu chiếc mang theo tôi đều lấy ra hết quấn hết vào người vẫn không bớt lạnh. Tìm cả những vỏ bao phân NPK còn sót lại để đắp thêm vào người nhưng chẳng thấm vào đâu. Người cứ run lên, quần áo ướt nhem dính vào người rin rít, quơ vội những lá những cành cà-phê khô nhen lên đốm lửa hong người. Những lúc ấy tôi lấy hết sức lực lẫn dũng khí để hét lên một tiếng thật to. Hy vọng cha nghe thấy lên trông coi cho chốc lát, để tôi chạy về nhà mà thay bộ quần áo khác. Còn không, có ăn gan trời tôi cũng không dám rời đi, khi chưa có ai trông chừng tưới nước. Tôi sợ cha mẹ đánh đòn thì ít mà sợ ánh mắt buồn của cha khi cà-phê không đủ nước mất mùa đói khổ nhiều hơn.
Đêm khuya, còn những bóng người nhịp nhàng lắc lư trên nương rẫy cà-phê. Trời rét buốt, mồ hôi vẫn rơi lòng tong xuống đất khô lẫn trong dòng nước. Rơi tới đâu cà-phê tỏa ngát hương thơm đến đấy...