Người thì nêu ý kiến phải quyết liệt tháo dỡ toàn bộ diện tích và kết cấu sai phạm, người thì cho rằng có thể “tha” cho phần sai không giật cấp của tòa nhà, nhưng phải phạt thật nặng, phạt cho triệt tiêu lợi ích tạo ra từ hành vi cố tình sai phạm đó.
Xem ra, tranh cãi của những người ngoài cuộc đã làm phân tâm nhất định các cơ quan thẩm quyền, khiến vụ nhà 8B Lê Trực cứ lần hồi không gọn ghẽ. Đã có bao nhiêu lời thúc giục, đã có tiếng nói chịu trách nhiệm, nhưng vụ việc vẫn bế tắc.
Vậy “mấu chốt” của lối thoát lẩn khuất ở đâu?
Mới đây, lại nghe báo chí đưa tin cơ quan chức năng đang tập hợp hồ sơ nhà 8B Lê Trực chuyển cơ quan điều tra xem xét. Nếu đúng, coi như vụ việc đã có “cửa thoát”.
Đó là đối với trường hợp cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án. Đến lúc ấy, sai phạm sẽ được làm sáng tỏ, rằng có tội phạm hay không, rằng sai đến đâu, hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Và khi đã có con người chịu trách nhiệm cụ thể về mức độ sai phạm thì cũng dễ quyết định việc xử lý: Thứ nhất, có “tha” cho phần công trình sai phạm hàng nghìn m² được tồn tại hay không? Chắc chắn là không, bởi “tha” thì trái luật. Thứ hai, có phạt cho triệt tiêu lợi ích tạo ra từ hành vi cố tình sai phạm hay không? Chắc chắn là có, bởi lúc đó sẽ không thể bỏ qua việc buộc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là mức độ tài sản bất chính vào cỡ 429 tỷ đồng.
Vấn đề là một lối thoát gọn gàng như thế đáng ra đã có thể được quyết định sớm, tại sao phải dùng dằng đến hàng năm trời như vậy?!