Năm tài chính 2025 này, mức thâm hụt ngân sách của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lên tới 1.830 tỷ USD. Bên cạnh đó, từ cuối tháng ba, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã cảnh báo: Nếu Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế được gia hạn vĩnh viễn (như Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn) mà không có điều chỉnh nào khác về chính sách tài khóa, nợ công của nước Mỹ có thể vượt 200% GDP vào năm 2047, và thậm chí chạm mốc 250% GDP vào năm 2054.
Đến quý I năm 2025, tổng nợ công của Mỹ là 36.000 tỷ USD. Chi phí trả lãi hằng năm đã vượt 1.000 tỷ USD, cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Nhìn từ khía cạnh này, có lẽ, chúng ta cũng thấy được một phần nguyên nhân để đương kim Tổng thống Mỹ “cầu viện” tới thuế quan xuất nhập khẩu, như một thứ “phao cứu sinh” tối thượng, để vừa tái cấu trúc nền kinh tế, vừa tái định hình thương mại thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, chuyện siết chặt chi tiêu trở thành một hướng tiếp cận chủ chốt mà Nhà trắng hướng đến (trái ngược khuynh hướng liên tục bơm các gói kích thích vào thị trường của chính phủ tiền nhiệm).
Thực tế là ông Donald Trump và ê-kíp của mình đã phải tiếp nhận một di sản khá nặng nề, bởi nợ công Mỹ đã kịp vượt mốc 35.000 tỷ USD vào tháng 7/2024. Từ năm tài chính 2019 đến năm tài chính 2021, theo Bộ Tài chính Mỹ, chi tiêu của chính phủ liên bang đã tăng 50%. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ấy là những hệ lụy ghê gớm của đại dịch toàn cầu Covid-19, chưa kể tới những ảnh hưởng từ các cuộc xung đột quân sự quốc tế.
Và do đó, với nhãn quan của một doanh nhân, người đứng đầu nước Mỹ cho rằng: Các biện pháp kích thích kinh tế như mở rộng sản xuất năng lượng, nới lỏng quy định và cắt giảm chi tiêu sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giúp mở rộng cơ sở thuế, giảm lạm phát và tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, từ đó hạ chi phí vay, thu hút đầu tư nội địa. Một cách ngắn gọn, có vẻ như ông Trump thật sự muốn cải tạo một ngôi nhà, từ nền móng.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, mục tiêu đầy tham vọng ấy đang đứng trước những rào cản không dễ vượt qua. Chúng ta đã thấy dư luận xã hội Mỹ “sôi sục” phản ứng, sau khi Nhà trắng mở một “cuộc chiến thuế quan” ở phạm vi toàn thế giới, bởi trước mắt, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đảo lộn, chính người dân Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hóa tăng vọt. Những chuyến bay chở đầy… điện thoại iPhone ngược từ các “công xưởng quốc tế” về Mỹ để tránh thuế - đơn cử như lượng iPhone có tổng giá trị gần hai tỷ USD, được đưa về thị trường Mỹ từ Ấn Độ trong tháng 3 – là một thí dụ điển hình.
Đồng thời, đó cũng là lời cảnh báo âm thầm: Để đạt được mục tiêu kép đầy tham vọng – cân bằng ngân sách, song song giảm gánh nặng nợ công, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phải "hy sinh" các nguồn lực cho những chương trình chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, nghĩa là chấp nhận bất ổn. Lựa chọn này chắc chắn sẽ tiềm ẩn những rủi ro chính trị không nhỏ, cho cả cá nhân ông Trump lẫn đảng Cộng hòa.
Quốc hội Mỹ chưa bao giờ thiếu “sóng gió chính trường”. Và hiện tại, ở đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ làm mọi cách, để “ngáng đường” ông Trump. Nhiệm vụ này, đối với họ, có thể sẽ còn dễ dàng gấp bội, khi ông chủ Nhà trắng đứng trong thế “tiến thoái lưỡng nan”: Vừa muốn kích thích kinh tế trong nước bằng cách cắt giảm thuế cho doanh nghiệp (đến tận mức 15%), lại vừa phải tiến hành “thắt lưng buộc bụng” trên nhiều phương diện. Đây sẽ là mầm mống để thổi bùng những cơn giận dữ, bên một miệng hố thẳm mang tên “bất bình đẳng xã hội”.
Ngày 15/4, trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ cho rằng chính sách thuế quan của ông có thể đủ để thay thế thuế thu nhập liên bang (theo RT). Cùng ngày, ông ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc kê đơn. Theo đó, các bang được trao thêm quyền tự quyết để nhập khẩu thuốc giá rẻ, cũng như cải thiện các cơ chế đàm phán nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm.
Nhưng, chỉ những hành động đơn lẻ ấy, liệu có đủ để trấn an dư luận xã hội Mỹ, và qua đó giành ưu thế trong Quốc hội hay không?