Yếu tố chủ chốt dẫn đến việc nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn thế giới tăng mạnh, không gì khác, vẫn là tiến trình biến đổi khí hậu, cũng như sự gia tăng nền nhiệt của Trái đất. Do những hệ lụy đáng kể của tiến trình này, năm 2024, nhu cầu điện năng của nhân loại đã tăng tới 4,3% - mức cao nhất từng được ghi nhận, chiếm khoảng 60% tổng mức tăng trưởng năng lượng.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới các tác động từ những hoạt động sản xuất - vận chuyển - thương mại hàng hóa, trong bối cảnh guồng máy kinh tế toàn cầu cố gắng lấy lại tốc độ, với sự vươn dậy của nhiều khu vực, nhiều nền kinh tế mới. Tuy nhiên, mặt trái của sự khởi sắc này chính là việc khối lượng năng lượng phát thải (như than đá và dầu mỏ) tiêu thụ nhiều lên gấp bội. Lượng khí thải CO2 của riêng ngành năng lượng vẫn đạt mức kỷ lục mới là 37,8 gigaton (Gt) CO2 - chủ yếu do việc sử dụng than và khí đốt tự nhiên.
Một cách khái quát, loài người vẫn chưa thoát được cái vòng luẩn quẩn: Phát thải khí nhà kính làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, và chính những hiện tượng thời tiết cực đoan đó tác động ngược trở lại, khiến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng như mức độ phát thải lại ngày càng lớn.
Mặc dù vậy, trong báo cáo của IEA cũng có những điểm sáng mang tính khích lệ. Thí dụ: Việc triển khai năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân, xe điện và máy bơm nhiệt từ năm 2019 đến nay đã giúp tránh được 2,6 tỷ tấn khí CO2 xả vào môi trường mỗi năm, tương đương 7% lượng khí thải toàn cầu. Như IEA đánh giá, thế giới đang đi đúng hướng để điện khí hóa các lĩnh vực tiêu dùng quan trọng.
Không chỉ vậy, trong năm 2024, năng lượng tái tạo đã chiếm phần lớn trong tăng trưởng nguồn cung (38%), tiếp theo là khí đốt tự nhiên (28%), than (15%), dầu mỏ (11%) và điện hạt nhân (8%). Điện mặt trời tiếp tục phát triển mạnh mẽ: Trong số 2,6 Gt CO2 được cắt giảm hằng năm từ năm 2019, có 1,4 Gt đến từ năng lượng mặt trời, 0,9 Gt từ năng lượng gió và 0,19 Gt từ điện hạt nhân. Xe điện và máy bơm nhiệt hiện chỉ giúp giảm lần lượt 80 và 65 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng nhanh, khi các thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch được thay thế.
Vấn đề là, khi IEA nhấn mạnh: “Nếu không có các giải pháp năng lượng khử carbon, lượng phát thải CO2 toàn cầu trong giai đoạn 2019-2024 có thể cao gấp ba lần hiện tại”, thì đòi hỏi từ thực tế - về việc các quốc gia cần phải đẩy nhanh tốc độ triển khai rộng rãi những giải pháp công nghệ năng lượng sạch, giảm sự phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải sâu hơn - lại càng trở nên bức thiết.
Và đây cũng chính là một thách thức không nhỏ, đối với những cam kết đã được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan cuối năm ngoái, đặc biệt là vấn đề đạt được những bước tiến thực chất về xây dựng tài chính khí hậu toàn cầu.
Những công nghệ năng lượng sạch tiên tiến không hề rẻ, nên những nước nghèo, thậm chí không ít quốc gia đang phát triển sẽ rất khó huy động đủ tiềm lực tài chính để tiếp cận. Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, 80% lượng phát thải toàn cầu đến từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhưng chính các nền kinh tế nhỏ lại bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, để cứu “ngôi nhà chung của nhân loại”, việc chia sẻ và hỗ trợ tài chính trở thành một dạng nghĩa vụ đối với các nước phát triển, như diễn biến các cuộc thảo luận gay gắt tại COP29 đã làm rõ. Có điều, không phải nền kinh tế phát triển nào cũng sẵn sàng thực hiện “nghĩa vụ” đó. Kể từ tháng 11/2024 tới nay, những cam kết tài chính khí hậu quan trọng nhất dường như vẫn chưa đạt được bước tiến nào thật sự ấn tượng.
Và hai tuần trước, nước Mỹ tuyên bố rút khỏi Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - một cơ chế giúp các nước đang phát triển giảm phụ thuộc vào điện than…