Tô đậm một mầu cờ

Với những bước chuyển mình đầy ấn tượng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024, lá cờ đỏ sao vàng càng lúc càng được nhận diện rõ ràng, sắc nét và sâu đậm hơn trong lòng bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế đất nước ngày một đi lên, sẵn sàng đón những cơ hội mới.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam - nước chủ nhà Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defence Expo) 2024. Ảnh: Thành Đạt
Việt Nam - nước chủ nhà Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defence Expo) 2024. Ảnh: Thành Đạt

Văn hóa tiếp tục mạnh mẽ vươn dậy, để “soi đường cho quốc dân đi”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhưng trước hết, đà thăng hoa đó của văn hóa Việt Nam trong năm 2024 được đặt trên nền tảng vững chắc là sự thể chế hóa các mục tiêu văn hóa từ Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - dấu mốc quan trọng hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa.

Không chỉ vậy, trong năm 2024, Chính phủ đã ban hành hai quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm mục đích khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự phát triển của ngành. Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở là những đường lối, chính sách, pháp luật đó, khi năm Giáp Thìn 2024 đi tới những ngày cuối, bản sắc văn hóa Việt Nam đã tạo nên và để lại những dấu ấn đậm nét.

Ngay sau điểm nhấn vô cùng đáng nhớ - Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một lần nữa kể lại với cả thế giới thời đại bùng nổ thông tin câu chuyện về “kỳ tích Việt Nam” trong thế kỷ 20, ngày 8/5/2024, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Đến ngày 4/12/2024 (theo giờ địa phương), tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO tiếp tục ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc hai di sản được UNESCO ghi danh trong một năm thêm minh chứng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu. Những hoạt động này cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa, du lịch và thể thao nước nhà năm qua cũng chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai “say hi”, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024, hay mới nhất là Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” - do Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Sun Bright và LoonEyes Studio thực hiện, gây tiếng vang không chỉ với khán giả trong nước, mà còn tạo ấn tượng với tất cả các vị khách nước ngoài có mặt tại Việt Nam vào những thời điểm đó.

Cần nhấn mạnh, năm Giáp Thìn, ngành du lịch của chúng ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đón khoảng 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, bất chấp bối cảnh thế giới còn nhiều biến động.

Việt Nam cũng vinh dự đón nhận ba danh hiệu: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đáng chú ý, đây là lần thứ sáu trong bảy năm qua, Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024), khẳng định vị thế của ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.

Tiếp nối đà thăng tiến đó, sự kiện Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) diễn ra tháng 12/2024 - hội nghị mang tính toàn cầu, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới - là dấu mốc thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism. Trong khuôn khổ Hội nghị, UN Tourism đã trao danh hiệu Làng du lịch tốt nhất cho làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam).

Việt Nam xác định mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hóa và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp 7% GDP; đồng thời tiến tới mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia đứng đầu về phát triển công nghiệp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á, và là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực châu Á.

Trong từng sự kiện quốc tế mà Việt Nam là nước chủ nhà, hay trong từng lễ hội, từng điểm đến trên khắp dải đất hình chữ S này, ở đâu, những nụ cười ấm áp, thân thiện cùng mầu cờ đỏ sao vàng bay rợp trời cũng trở thành những điểm nhấn thị giác rất khó phai mờ, đối với các vị khách nước ngoài. Thậm chí, cả trong những ngày đất nước oằn mình chống chọi với cơn bão Yagi, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, sự gắn bó keo sơn, tinh thần quật cường và sức sống Việt Nam mãnh liệt cũng tạo ấn tượng sâu đậm, trở thành tâm điểm chú ý trên các phương tiện truyền thông thế giới.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trên tay không ít bạn bè quốc tế, trong đêm hoa đăng mừng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vô địch Đông Nam Á, là sự kế tiếp và mở rộng văn hóa truyền thống Việt Nam, cũng là minh chứng cho những bước đi lên vững chắc, kiên cường. Lá Quốc kỳ của chúng ta, rực rỡ và huy hoàng, đã sẵn sàng tiến vào bình minh mới.