Xóa bỏ những bất công

Thế giới những ngày đầu năm 2025 tiếp tục chứng kiến nhiều bước chuyển mình đáng nhớ, trên tiến trình định hình một tương lai mới. Trong đó, việc san lấp bớt khoảng cách giàu nghèo ở xã hội loài người nói chung mỗi lúc lại càng trở nên bức thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Việc san lấp bớt khoảng cách giàu nghèo là một nhu cầu bức thiết.
Việc san lấp bớt khoảng cách giàu nghèo là một nhu cầu bức thiết.

Ngày 3/2, một hiệp ước thuế toàn cầu đã chính thức được khởi động đàm phán bởi Liên hợp quốc - điều được Chủ tịch Ủy ban đàm phán của Liên hợp quốc Ramy Yousef đánh giá là “trách nhiệm đạo đức”, khi hàng tỷ USD bị thất thoát mỗi năm do chuyển lợi nhuận bất hợp pháp, cạnh tranh thuế không lành mạnh và các dòng tài chính bất hợp pháp - những khoản tiền đáng lẽ có thể được sử dụng để phục vụ các mục tiêu phát triển toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có một nhiệm vụ rõ ràng: Xây dựng một hiệp ước mang lại sự công bằng, minh bạch và bình đẳng trong hệ thống thuế quốc tế”.

Một trong những mục tiêu quan trọng của hiệp ước này là đánh thuế công bằng đối với các tập đoàn đa quốc gia và ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các cá nhân siêu giàu, nhằm bảo đảm nguồn thu cho các nước nghèo và tài trợ cho các chương trình phát triển bền vững.

Hiển nhiên, không ít nước đang phát triển ủng hộ mạnh mẽ dự án này, kể từ lần đầu được đề cập hồi năm 2023. Đối với họ, đây là một cơ hội lịch sử để sửa chữa những bất công trong hệ thống tài chính quốc tế. Thực tế, nguy cơ khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tầng lớp xã hội trong cùng một đất nước, đã và đang ngày một nhức nhối.

Có lẽ chưa ai quên, ngay trong lòng nước Mỹ, 59 ngày chấn động của phong trào “Chiếm lĩnh Phố Wall” (Occupy Wall Street) hồi năm 2011 đã để lại những ấn tượng sâu sắc ra sao, với sự công phẫn thể hiện ở các con số đầy tính biểu tượng: 1% (số người siêu giàu trên tổng dân số Mỹ) chiếm hữu tới 99% của cải. Và chủ nghĩa tư bản rùng mình, khi đối diện với tuyên ngôn: “Chúng ta là 99%” (We’re 99%) trên các đường phố.

Vấn đề là, với hiệp ước thuế toàn cầu (đang được các quốc gia châu Phi cổ vũ nhiệt thành) kia, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng như hàng loạt nước phát triển tiên tiến (bao gồm Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Israel hay New Zealand) cũng đã ngay lập tức phản đối các điều khoản hướng dẫn ban đầu. Thậm chí, cường quốc số 1 thế giới còn tuyên bố rút lui khỏi tiến trình, với lý do “hiệp ước này không phù hợp các ưu tiên của Mỹ, và có thể gây trở ngại không thể chấp nhận đối với khả năng ban hành chính sách thuế của các quốc gia”, ngay trong phiên đàm phán mở màn, ngày 3/2.

Thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), rõ ràng, các cường quốc kinh tế vẫn muốn duy trì một hệ thống thuế quốc tế theo trật tự mà họ nắm quyền quyết định, và phục vụ mục tiêu tối thượng là lợi ích của giới đại tài phiệt. Theo tổ chức phi chính phủ Tax Justice Network, mỗi năm các chính phủ trên toàn cầu mất khoảng 492 tỷ USD do các “thiên đường thuế” - và 43% số tiền này bị thất thoát được cho là có liên quan đến chính sách thuế của các nước phát triển hàng đầu.

Chính là bởi khúc mắc này, nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một hệ thống thuế quốc tế mới, qua đó sửa chữa những bất công tồn tại, cũng đang bị đặt dưới khá nhiều ánh mắt hoài nghi.

Song, không thể phủ nhận, một thế giới bình đẳng và tốt đẹp hơn chắc chắn không chỉ là một giấc mơ viển vông, mà đã trở thành mục tiêu hướng đến của phần đông nhân loại, để biến thành những hành động thực tiễn, cho dù còn rất nhiều rào cản.

Thế giới đang đi tới những bước phát triển mới, như đã từng có những bước ngoặt như thế trong lịch sử, khi các yếu tố cốt lõi của hình thái kinh tế-xã hội cũ dần bị phủ định, để nhường chỗ cho những điều văn minh hơn, phát triển hơn, nhân ái hơn. Bởi vậy, khi các nước phương Nam bắt đầu nhận thức rõ hơn về quyền được đòi hỏi những lợi ích chính đáng của mình, những thay đổi tích cực chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.