Cho đến hiện tại, đã có thêm Argentina tuyên bố rút khỏi WHO. Không loại trừ, trong tương lai gần, cũng sẽ còn nhiều quốc gia trong số 193 thành viên còn lại của WHO “dao động”.
Trên thực tế, cho dù Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus luôn khẳng định tôn chỉ: “Là một cơ quan thuộc Liên hợp quốc, WHO hoạt động một cách trung lập và phục vụ tất cả các quốc gia, tất cả mọi người”, thì đối với một số chuyên gia, câu chuyện vẫn còn ẩn chứa nhiều vấn đề khuất lấp.
Thí dụ, mới đây, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Quốc hội) Nga Pyotr Tolstoy viết trên tài khoản mạng xã hội Telegram của mình: “Đã đến lúc phải điều tra kỹ lưỡng các hoạt động của WHO tại Nga. Trong quá trình điều tra, Nga nên ít nhất tạm dừng tư cách thành viên. Hoặc, tốt hơn nữa, chúng ta nên nói lời tạm biệt”. Trong khi đó, ở cuối nhiệm kỳ trước, nghĩa là thời điểm đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công kích WHO. Đây cũng là cơ sở để Gergely Gulyás, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Hungary, phát biểu: “Nếu quốc gia quyền lực nhất thế giới quyết định rời khỏi một tổ chức quốc tế, thì tôi nghĩ chính phủ Hungary cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên theo bước đi này hay không”.
Phải nhận sức ép từ nhiều phía, phản ứng từ WHO dĩ nhiên là phủ định mọi cáo buộc, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa cao đẹp và quan trọng trong sự hiện hữu của mình, đối với lĩnh vực chăm sóc y tế cho toàn nhân loại. Tuy vậy, cũng không khó để giới quan sát quốc tế nhận thấy: WHO vừa là một cơ quan thiết lập tiêu chuẩn do các chuyên gia lãnh đạo, vừa là một tổ chức hành động trên thực tế.
Đồng thời, cơ cấu hoạt động của nó cũng mang tính chính trị: Người đứng đầu WHO được các chính phủ trên thế giới bầu ra, thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới - một dạng “quốc hội toàn cầu của các Bộ trưởng Y tế”. Điều này có nghĩa là các ứng cử viên sẽ vận động cho vị trí đó, cũng như sáu vị trí giám đốc các văn phòng khu vực trực thuộc. Theo tờ Nature, mọi tổng giám đốc WHO, từ người đầu tiên, Brock Chisholm, đến người đương nhiệm, Tedros, đều phải làm việc trong một khuôn khổ chính trị như vậy.
Dĩ nhiên, vẫn có cơ chế dành cho việc tách biệt các chức năng chính trị và kỹ thuật của cơ quan. Tuy nhiên, trừ phi tất cả các quốc gia thành viên của WHO đều đồng ý - điều này không có khả năng xảy ra trong bối cảnh địa chính trị hiện tại - thì cấu trúc này sẽ không thay đổi. Nó đã duy trì như thế từ khi WHO thành lập năm 1948, cho dù thế giới đã thay đổi đến chóng mặt.
Do đó, vấn đề lớn nhất đối với WHO lúc này, trên bề mặt, là tìm kiếm những nguồn hỗ trợ tài chính, nhằm bù đắp khoảng trống mênh mông mà Mỹ để lại (WHO đã tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 400 triệu USD ngân sách hoạt động). Song, để thực hiện được mục tiêu ấy, chuyện thay đổi cấu trúc nội tại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, từ lượng chuyển thành chất, có lẽ mới là nhu cầu cốt lõi.
Hiện, WHO hoạt động dựa trên hai nguồn kinh phí chính: Phí thành viên - khoản đóng góp cố định mà mỗi quốc gia thành viên phải đóng hằng năm; và những khoản đóng góp tự nguyện từ các tổ chức tài trợ cũng như các quốc gia, chủ yếu dành cho các dự án cụ thể và hoạt động ngắn hạn. Không còn nền kinh tế Mỹ như một chỗ dựa, mở rộng hợp tác đa phương nhằm kích hoạt các tiềm năng thay thế đã trở thành lựa chọn mang tính thời đại, nhất là với sự trỗi dậy ấn tượng gần đây của các nước Nam bán cầu (cũng là khu vực đòi hỏi nhiều sự chăm sóc y tế đặc biệt).
Không phải ngẫu nhiên, có một số ý kiến từ các nhà phân tích cho rằng WHO cần giảm bớt nhân sự, chuyển trụ sở chính đến các văn phòng khu vực ở châu Phi, châu Á, hoặc Mỹ latin - nhằm giảm chi phí, tăng cường khả năng tập trung vào các vấn đề cấp bách, nhằm phát huy tối đa khả năng trước những nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Đồng thời, ngược lại, các quốc gia đang phát triển cũng cần hợp tác chặt chẽ với WHO, đơn cử như khối BRICS có thể “cáng đáng” vai trò trụ cột tài chính.
Nhưng trên hết, ở cuối cuộc đại phẫu này, liệu hình thức “Quốc hội toàn cầu của các Bộ trưởng Y tế” có cần phải được điều chỉnh hay không?