Trong những làn gió đổi thay

Thế giới đang thay đổi từng ngày, và vì thế, phải chăng, cũng cần có những sự điều chỉnh trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn những đòi hỏi, nhu cầu, ước vọng… ngày càng phức tạp của toàn nhân loại?
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện cho sự trỗi dậy của các quốc gia Nam và Đông bán cầu, vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của khối BRICS ngày càng phát triển.
Đại diện cho sự trỗi dậy của các quốc gia Nam và Đông bán cầu, vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của khối BRICS ngày càng phát triển.

Ngày 27/4, theo hãng thông tấn TASS, tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Brazil, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phát biểu với tờ O Globo: "Với chúng tôi, điều hoàn toàn hiển nhiên là việc định hình một thế giới đa cực phải bao gồm sự đại diện rộng rãi hơn của các quốc gia ở Nam bán cầu và Đông bán cầu, tức là các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".

Như ông bày tỏ sự tin tưởng, một thí dụ điển hình trong vai trò ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ấy chính là Brazil - quốc gia đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, và có thể đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh: Moskva tin tưởng vào một cuộc cải cách mang tính cân bằng tại Hội đồng Bảo an với tư cách là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc – cơ quan có trách nhiệm chính, theo Hiến chương Liên hợp quốc, trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, Nga cũng ủng hộ việc đề cử Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, với điều kiện cần phải có đại diện từ châu Phi.

Song, cũng không có gì bất ngờ, Điện Kremlin "phản đối việc trao thêm ghế cho các nước phương Tây và đồng minh của họ", với lý do là: Các nước này đã có quá nhiều ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thực tế, đề xuất từ nước Nga không phải là một vấn đề mới mẻ. Từ thập niên trước, sau những biến động dữ dội trong dòng chảy sự kiện quốc tế - như “Mùa xuân Arab” và sau đó là sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khi rất nhiều thách thức trong việc bảo vệ cuộc sống con người cũng như kiến tạo hòa bình và phát triển đặt ra, nhu cầu thay đổi cấu trúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã dần thành hình.

Trải qua đại dịch Covid-19 toàn cầu, đối diện với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng đa dạng - từ suy thoái kinh tế tới biến đổi khí hậu, hay những hiểm họa trên không gian mạng của thời đại bùng nổ công nghệ, nhu cầu này tiếp tục được định hình rõ nét.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự vươn lên về kinh tế, song song sự mở rộng tầm ảnh hưởng của khối BRICS cùng tiếng nói ngày càng trở nên giàu sức nặng từ các quốc gia châu Phi cũng như Nam bán cầu đã và đang mang tới cho cục diện chung thêm nhiều yếu tố đáng chú ý. Như một bước chuyển tất yếu khi trật tự thế giới đơn cực cũ (tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh) rạn vỡ, trong xu hướng toàn cầu hóa, đa phương hóa, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mọi quốc gia ở bất cứ khu vực nào trên thế giới (chứ không chỉ tại các nước phát triển phương Tây) cũng đòi hỏi được chú ý nhiều hơn, và bảo vệ sát sao hơn.

Nói một cách ngắn gọn, nhìn từ cả phương diện chính trị quốc tế lẫn kinh tế - xã hội - quân sự, cơ cấu thượng tầng kiến trúc của Liên hợp quốc hiện tại dường như đã không còn đủ khả năng bao quát và xử lý mọi vấn đề nảy sinh, trong thế giới đang biến đổi với tốc độ vũ bão.

Mới đây, hồi tháng 2/2025, chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng lặp lại lời kêu gọi cải cách sâu rộng Hội đồng Bảo an, thúc giục mở rộng cơ quan này để mang tính đại diện nhiều hơn cho thực tế địa-chính trị toàn cầu hiện nay - vấn đề mà ông từng không ít lần đề ra, kể từ khi nắm giữ cương vị.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh tuyên bố: Hội đồng Bảo an phải phản ánh thế giới hiện tại, không phải như 80 năm trước, khi Liên hợp quốc được thành lập. Tổ chức này cần được cải cách để trở nên toàn diện hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn.

Song, cho đến thời điểm đó, dường như những phát biểu của ông vẫn chưa thật sự được phương Tây lắng nghe...