Khai thông động mạch, cho kinh tế toàn cầu

Trong nội tại nước Mỹ, chính sách năng lượng của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ vấp phải những rào cản. Tuy vậy, ở phạm vi thế giới, có vẻ như không ít tín hiệu tích cực lại đang nối nhau lóe lên.
0:00 / 0:00
0:00
Có những điểm chung đã xuất hiện, giữa OPEC+ với chính sách năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có những điểm chung đã xuất hiện, giữa OPEC+ với chính sách năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 24/2, Hãng thông tấn CNN cho biết: Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất dầu trong nước, nhằm giảm giá xăng và củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Song, CNN cũng cảnh báo: Việc ông Donald Trump dự định áp thuế 10% đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đẩy giá xăng tăng cao và tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp lọc dầu Mỹ.

Ở khía cạnh kỹ thuật, phần lớn các nhà máy lọc dầu tại Mỹ được thiết kế để xử lý dầu thô nặng - loại dầu mà Canada đang cung cấp. Các công đoạn sẽ khá khác biệt so quy trình tinh chế dầu nhẹ (được khai thác và sản xuất tại chính nước Mỹ). Cộng hưởng với giá dầu thô, chi phí vận chuyển cũng như đặc tính của các sản phẩm đầu ra, bà Jenna Delaney - nhà phân tích của Rapidan Energy Group chuyên về dầu thô toàn cầu - nhận định: Chiến lược năng lượng của Mỹ không thể chỉ đơn giản là sử dụng toàn bộ dầu trong nước mà không cần nhập khẩu.

Tuy nhiên, cùng ngày, trả lời phỏng vấn, chuyên gia Jason Prior - người phụ trách bộ phận giao dịch dầu mỏ của Tập đoàn tài chính và đầu tư The Bank of America Corp - hé lộ: Sau khi tổng thống Mỹ kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) hạ giá dầu, OPEC+ đang cân nhắc khả năng khôi phục một phần sản lượng (đã bị cắt giảm trước đây). “Chúng tôi dự đoán một phần sản lượng sẽ được đưa trở lại thị trường” - ông Prior cho biết.

Đặt những tín hiệu này vào một chuỗi diễn biến, tiếp nối sự kiện ngày 18/2, khi Brazil - thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - thông báo quyết định gia nhập OPEC+, trong “thời khắc lịch sử đối với Brazil và ngành năng lượng Brazil, mở ra một chương mới trong lịch sử đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng”, như Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Brazil Alexandre Silveira nhấn mạnh, chúng ta có thể nhìn thấy những mảnh ghép: Brazil gia nhập OPEC+, thì dù thế nào, sản lượng của OPEC+ cũng sẽ tăng. Đó cũng chính là căn cứ để Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ê-kíp của ông phản bác lại những nghi ngại mà CNN đưa ra, về cả kịch bản giá xăng tăng lẫn sự tương thích của hệ thống nhà máy lọc dầu của Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, vô hình trung, nếu OPEC+ tăng sản lượng, ông chủ Nhà trắng hiện tại lại càng có lý do để duy trì các yêu cầu cứng rắn về nhiều lĩnh vực, đối với người hàng xóm Bắc Mỹ (cho dù hiện tại, mỗi ngày, nước Mỹ vẫn nhập khoảng 6,5 triệu thùng dầu từ Canada), cũng như đối với một vài trường hợp khác.

Khuất lấp sau tất cả, chúng ta đừng quên: Một hội nghị cấp cao đặt nền móng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga (sau một thời gian dài rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử) vừa diễn ra và khép lại tại Saudi Arabia. Saudi Arabia là quốc gia dẫn đầu OPEC, còn Nga là thành viên chủ chốt của OPEC+. Những mạch ngầm địa chính trị, dù muốn dù không, cũng sẽ ảnh hưởng và gây tác động đến các quyết sách tưởng chừng chỉ mang tính chất kinh tế thuần túy.

Mặc dù vậy, khó có thể phủ nhận lập luận mạnh mẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng tổng cầu về năng lượng của thế giới không thay đổi đáng kể. Do đó, bài toán tổng cung - đặc biệt trong những giai đoạn biến động khi cung có xu hướng vượt cầu như hiện nay - luôn là một thách thức mang tính chu kỳ.

Xuất thân là một doanh nhân, có lẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rõ và cũng có cùng quan điểm ấy, để cố gắng cân bằng phương trình. Nếu nguồn cung tăng, giá xăng dầu - mạch máu của mọi nền kinh tế - cũng sẽ có nhiều cơ hội ổn định hơn. Xét cho cùng, điều này có lợi cho không chỉ nước Mỹ hay OPEC+, hay chính chủ trương mang màu sắc "chủ nghĩa biệt lập" của ông Donald Trump...