Trong cuộc điện đàm mới đây, chiều 17/2, theo đề nghị từ phía Ukraine, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha: Là bạn của Nga và Ukraine, Việt Nam duy trì nhất quán lập trường cân bằng, khách quan trong xung đột Nga - Ukraine. Đồng thời, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh: Tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ (ngày 13/2): “Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình để có thể sớm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay”.
Trên thực tế, đây cũng chính là niềm mong mỏi của đông đảo các nước, trong cộng đồng quốc tế.
Cuộc xung đột quân sự này đã để lại những tác động rõ rệt, và làm thay đổi sâu sắc hầu như toàn bộ các khía cạnh chủ đạo trong cấu trúc quan hệ quốc tế, suốt 36 tháng qua. Và nếu nhìn ngược lại từ những hệ quả ấy, có lẽ, bất cứ ai quan tâm đến thời sự quốc tế cũng cảm nhận được, một cách rõ rệt: Đây hoàn toàn không chỉ là câu chuyện về lĩnh vực quân sự thuần túy, hay là một mâu thuẫn, tranh chấp cục bộ. Nói cách khác, theo đúng quan điểm của nhà quân sự cổ điển Phổ Karl Von Clausewitz: “Chiến tranh” chỉ là “sự tiếp diễn của chính trị, ở một phương diện khác”.
Đi kèm với cuộc xung đột Nga - Ukraine này, là những hệ lụy to lớn đối với toàn bộ guồng máy kinh tế cũng như các kết cấu xã hội trên toàn thế giới. Giá năng lượng tăng vọt, nguồn cung phân bón bị thu hẹp, sản lượng nông nghiệp sụt giảm… dẫn tới chi phí sinh hoạt, sản xuất và logistics ở nhiều khu vực (đặc biệt là châu Âu) gia tăng, từ đó tạo áp lực nặng nề lên cả người dân, các doanh nghiệp lẫn tầng lớp lãnh đạo. Bên cạnh đó, lạm phát và nhất là nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực phủ bóng u ám xuống không ít quốc gia.
Trên tất cả, tại bản đồ địa chính trị toàn cầu, một trật tự thế giới mới (thay thế cho trật tự đơn cực đã tồn tại từ sau Chiến tranh Lạnh) càng lúc càng được định hình rõ nét hơn, với tiếng nói càng ngày càng giàu sức nặng từ các nước đang phát triển ở Nam bán cầu - nhóm nước đang có nhu cầu vượt thoát khỏi những khuôn khổ cũ, giải phóng tiềm năng, thu hẹp hố ngăn cách bất bình đẳng.
Ngày 18/2, một cuộc hội đàm cực kỳ quan trọng đã diễn ra tại Saudi Arabia, giữa hai phái đoàn cấp cao từ Washington và Moscow. Cho dù Trợ lý tổng thống Yury Ushakov nhấn mạnh rằng: Đây không phải là cuộc trao đổi về vấn đề kết thúc chiến tranh và tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, thì giới quan sát đều hiểu: Chìa khóa đã bắt đầu xoay, trên cánh cửa thoát hiểm nào đó.
Bởi, khi đặt chuyện nước Nga và nước Mỹ thảo luận về vấn đề khôi phục quan hệ ngoại giao, cùng kế hoạch chuẩn bị một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Donald Trump vào bối cảnh chung là những diễn biến gây sốc vừa xảy ra tại Hội nghị An ninh Munich, cũng như những động thái cứng rắn và quyết liệt mà chính quyền tân Tổng thống Mỹ đã và đang thực hiện, bao gồm cả phát biểu công khai của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio: “Quan điểm của Tổng thống (Donald Trump) là cuộc xung đột kéo dài (Nga-Ukraine) này phải chấm dứt, và chấm dứt bằng đàm phán”, không cần là một nhà phân tích, chúng ta cũng có thể thấy những mảnh ghép phù hợp đã được bày sẵn.
Cho dù ý tưởng này của Washington vẫn đang vấp phải những phản ứng trái chiều từ Liên minh châu Âu cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì khi nước Mỹ “rút củi đáy nồi”, chiến sự cũng khó có thể tiếp tục sôi trào.
Và ít nhất, đó cũng là hướng đi dành cho loài người, để tránh xa khỏi nguy cơ tự hủy diệt bởi một cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân - điều hoàn toàn có thể xảy ra…